Bắc Kinh cho 10 máy bay ném bom tập trận ở Biển Đông răn đe Mỹ
Ít nhất 10 oanh tạc cơ Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông không lâu sau khi Mỹ tăng cường hiện diện ở vùng biển này.
Ít nhất 10 máy bay ném bom của Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông, sau khi hải quân Mỹ phái dàn chiến hạm thực thi quyền tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược, tờ South China Morning Post đưa tin.
Các chuyên gia quân sự cho biết các cuộc tập trận - có sự tham gia của máy bay ném bom H-6J tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc - nhằm thể hiện khả năng của Trung Quốc trong việc chống lại các hoạt động gần đây của Mỹ.
Ngày 23-2, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin có hơn 10 máy bay ném bom thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của quân đội nước này tham gia cuộc diễn tập ở Biển Đông sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Những máy bay này sau đó được tờ The Global Times xác định là H-6J, có thể mang tới 6 tên lửa hành trình chống hạm và mẫu oanh tạc cơ H-6G cũ hơn có thể mang 4 tên lửa hành trình.
Theo CCTV, các cuộc diễn tập gồm các bài tập tấn công đường dài và tăng cường sự phối hợp giữa phi công mới và phi công kỳ cựu.
Ngày 24-2, CCTV cho biết một lữ đoàn không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam đã tiến hành các cuộc diễn tập chiến thuật đối đầu trên không để nâng cao khả năng thực chiến.
Ông Nhạc Cương - một đại tá của quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu - cho rằng các cuộc tập trận của quân đội nước này nhằm phản ứng với những động thái gần đây của Mỹ ở Biển Đông. Trong tháng này, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là Theodore Roosevelt và Nimitz đã diễn tập ở Biển Đông.
"Quân đội Trung Quốc cũng có thể triển khai các nguồn lực khác, gồm lực lượng tên lửa, để tăng cường khả năng răn đe chống lại Mỹ, nếu cần thiết" - ông Nhạc Cương cho biết.
Hôm 24-2 - một ngày sau khi CCTV tiết lộ chi tiết về các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc - tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan để thể hiện "cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", theo thông cáo từ Hạm đội 7 của Hải quân nước này. Đồng thời, hải quân nước này khẳng định "sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Ngày 25-2, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của Trung Quốc đã ra thông cáo chỉ trích việc Mỹ điều chiến hạm Curtis Wilbur qua eo biển Đài Loan và cho rằng đây là "hành vi phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực", hãng tin Reuters đưa tin.
Vị phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh còn cho biết thêm rằng quân đội Trung Quốc đã theo dõi tàu USS Curtis Wilbur khi tàu khu trục này thực hiện điều mà Hải quân Mỹ gọi là "quá cảnh eo biển Đài Loan".
Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền và gây căng thẳng.
Khi Mỹ tìm cách xây dựng lại các liên minh nhằm chống lại Trung Quốc, nhiều quốc gia đã tham gia vào các hoạt động ở Biển Đông. Tuần trước, Pháp đã cử tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf đi qua khu vực Biển Đông. Đồng thời, Đức và Anh cũng cho biết họ sẽ gửi các tàu hải quân đến khu vực này.