Bắc Kinh 'nóng mắt' với thương vụ vũ khí khủng Mỹ-Đài Loan: Chuyên gia cảnh báo chiến tranh
Mỹ đã đồng ý bán Hệ thống Thông tin Liên lạc Chiến trường (FICS) trị giá 280 triệu USD cho Đài Loan với mục đích hiện đại hóa lực lượng vũ trang của hòn đảo.
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Quốc hội việc bán Hệ thống Thông tin Liên lạc Chiến trường cho Đài Loan, đồng thời cam kết hỗ trợ đào tạo nhân sự, kỹ thuật và hậu cần.
Cơ quan này nhấn mạnh rằng, việc mua bán được đề xuất phù hợp với luật pháp và chính sách của Mỹ, đồng thời giúp cải thiện an ninh của hòn đảo, hỗ trợ Đài Loan trong việc "duy trì sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự, kinh tế và tiến bộ trong khu vực."
"Việc mua bán này được thiết kế để cung cấp thông tin liên lạc lưu động và an toàn. Nó sẽ đóng góp vào mục tiêu hiện đại hóa khả năng liên lạc quân sự của Đài Loan để hỗ trợ các nhu cầu hoạt động của họ. Thỏa thuận sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực," cơ quan cho biết.
Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực sau 30 ngày sau khi thông qua các thủ tục của Quốc hội. Đây là thỏa thuận mua bán vũ khí đầu tiên của Mỹ với Đài Loan sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Thỏa thuận mua bán vũ khí mới "chọc tức" Bắc Kinh
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan hôm 8/12 cho biết, việc mua bán báo hiệu sự không thay đổi trong cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Loan và củng cố quan hệ đối tác an ninh với hòn đảo nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Văn phòng lãnh đạo Đài Loan hoan nghênh thông báo và cho biết nó phản ánh cam kết vững chắc của Washington đối với khả năng tự vệ của hòn đảo và phù hợp với Đạo luật Quan hệ Đài Loan của Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đài Loan Rupert Hammond - Chambers cho biết, thỏa thuận này giúp lực lượng phòng vệ Đài Loan tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới quân sự, cũng như cải thiện khả năng liên lạc và tăng cường khả năng tương tác của Đài Loan.
Giám đốc Trung tâm Phân tích An ninh Đài Loan Mei Fu-hsing chỉ ra, hệ thống này rất hiệu quả trong việc cung cấp và hỗ trợ liên lạc giữa trung tâm chỉ huy và quân đội trên thực địa.
Phát biểu khai mạc tại một hội thảo ở Đài Bắc hôm 8/12, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã chỉ trích Bắc Kinh thách thức hòa bình và trật tự quốc tế bằng cách mở rộng lực lượng quân sự và các hoạt động ở Biển Đông.
Bà nói: "Đối mặt với các mối đe dọa quân sự từ bên kia eo biển Đài Loan mỗi ngày, Đài Loan hoàn toàn hiểu được các mối đe dọa và áp lực an ninh [từ Bắc Kinh], và nhận ra tầm quan trọng của nhu cầu bảo vệ các khu vực an ninh năng lượng và liên lạc."
Bà kêu gọi hợp tác hơn nữa với Mỹ và Nhật Bản để đối phó với các vấn đề an ninh.
Việc mua bán đề xuất mới đây nhất được cho là sẽ chọc tức Bắc Kinh - vốn đã cảnh báo Mỹ không bán vũ khí cho Đài Loan và tố cáo nước này vi phạm chính sách "Một Trung Quốc".
Hôm 7/12, quan chức cấp cao của Đài Loan Chang Che-ping tiết lộ, Mỹ dự kiến sẽ phê duyệt thêm 2 hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 800 triệu USD cho Đài Loan vào năm tới.
"Hai thương vụ mua bán vẫn chưa được Quốc hội thông qua.. và tổng số tiền sẽ vào khoảng 800 triệu USD," ông nói.
Đây là lần bán vũ khí thứ 6 của Mỹ cho hòn đảo này trong năm nay.
Báo Trung Quốc chỉ ra điểm yếu, cảnh báo PLA đã sẵn sàng
Bằng cách triển khai hệ thống này, lực lượng phòng vệ của hòn đảo sẽ chịu nhiều phụ thuộc vào Mỹ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ sẵn sàng nếu hòn đảo chống lại sự thống nhất bằng vũ lực, Thời báo Hoàn cầu trích lời các chuyên gia quân sự của Trung Quốc Đại lục.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy ngay các kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan để ngăn chặn thêm thiệt hại cho quan hệ Trung Quốc - Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Chuyên gia quân sự của Trung Quốc Song Zhongping nói với tờ Hoàn Cầu rằng hệ thống liên lạc này là một phần của hệ thống chỉ huy có thể liên kết các đơn vị tác chiến cơ bản cũng như các trung tâm chỉ huy.
Loại hệ thống này được cho là có khả năng chống nhiễu mạnh và được mã hóa tốt, nhưng vì đó là hệ thống do Mỹ sản xuất, việc triển khai nó trong lực lượng Đài Loan sẽ có nghĩa là toàn bộ hệ thống chỉ huy và chiến đấu của nó sẽ được tích hợp với Mỹ và trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, ông Song nói.
Chuyên gia Song bổ sung, các cuộc tập trận và tuần tra của PLA không còn là lời cảnh báo đơn thuần đối với Đài Loan vì những cảnh báo dường như là chưa đủ.
"PLA nên tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận và chuẩn bị hoàn thiện cho một trận chiến có thể xảy ra trong tương lai ở eo biển Đài Loan. Nếu ngày đó tới, PLA có thể ngay lập tức biến các cuộc tập trận thành hoạt động thực sự."