Bạc Liêu đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) (viết tắt là Chương trình 1719) tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS với nguồn vốn được Trung ương phân bổ là 58,4 tỷ đồng và hơn 8,7 tỷ đồng nguồn đối ứng 15% của tỉnh.

Anh Thạch Ty, người Khmer xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chăm sóc đàn dê từ sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 giúp anh có thu nhập ổn định. Ảnh: Hữu Lợi

Anh Thạch Ty, người Khmer xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chăm sóc đàn dê từ sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 giúp anh có thu nhập ổn định. Ảnh: Hữu Lợi

Nếu như đầu năm 2022, theo tiêu chí nghèo đa chiều, toàn tỉnh Bạc Liêu có 11.493 hộ nghèo (chiếm 5,09%) và 14.755 hộ cận nghèo (chiếm 6,54%) thì đến đầu năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 7.229 hộ (chiếm 3,19%) và hộ cận nghèo giảm còn 12.022 hộ (chiếm 5,32%). Trong đó, hộ nghèo DTTS được giảm đáng kể còn 1.624 hộ (chiếm 7,46%/tổng số hộ DTTS).

Ông Lương Văn Pho, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong 2 năm 2022 và 2023, nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh là gần 47 tỷ đồng, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, có 2 dự án không thể giải ngân được, do không có địa bàn thực hiện, phân bổ vốn và đối tượng thụ hưởng (trong đó có dự án 6 là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS).

“Trong quá trình triển khai, Bạc Liêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, ấp, khóm khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Tỉnh đã triển khai tương đối đầy đủ về cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, thực hiện Chương trình; phân khai nguồn Trung ương, đối ứng vốn của địa phương và ban hành các Kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể các chính sách được thực hiện trên địa bàn tỉnh theo quy định. Một số địa phương cũng đã từng bước giải ngân các dự án, tiểu dự án được giao phụ trách, sớm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo quy định, việc hỗ trợ cho người dân vay vốn tại Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS) đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng...” - ông Pho nói.

Xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) là xã đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 65,7%). Những năm qua, thực hiện Chương trình 1719, Hưng Hội rất quan tâm chăm lo đời sống bà con, nhất là những hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo thông qua hỗ trợ nhà ở, vốn vay, cây, con giống sản xuất... Đặc biệt, qua chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc đã giúp xây dựng nhiều công trình cầu, đường giao thông nông thôn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, thẻ bảo hiểm y tế... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Anh Lâm Như ở ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, trước đây, đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng từ khi được chính quyền tạo điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, được hướng dẫn cách làm ăn bài bản phát triển mô hình trồng màu, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng màu… đã giúp anh Như mạnh dạn thay đổi hình thức canh tác, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Lâm Như nói: “Gia đình tôi có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày từ mô hình trồng màu chuyên canh trên diện tích 2.000 m2 đất rẫy là nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa, vươn lên thoát nghèo bền vững, hoàn trả vốn vay cho nhà nước để những hộ khó khăn hơn tôi được nhận chính sách ưu đãi này”.

Anh Lâm Như (bìa trái) ở ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, chăm sóc vườn trồng màu chuyên canh giúp anh có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Ảnh: Hữu Lợi

Anh Lâm Như (bìa trái) ở ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, chăm sóc vườn trồng màu chuyên canh giúp anh có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Ảnh: Hữu Lợi

Bà Mã Mỹ Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, cho biết: “Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Chương trình 1719, sau khi rà soát, phân loại từng tiêu chí thiếu hụt, toàn xã có 220 hộ nghèo (trong đó có 166 hộ nghèo là người dân tộc Khmer). Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả trong giai đoạn này, xã sâu sát từ việc khảo sát, linh hoạt lựa chọn hình thức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí thiếu hụt. Tranh thủ tối đa các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện và sự góp sức của các mạnh thường quân để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả nhất”.

Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, các địa phương nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất bằng cách tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi, đổi mới cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế nông hộ bền vững… Từ đó người dân có điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá: Việc triển khai Chương trình 1719 trong thời gian qua dù đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn cần phải tháo gỡ, do đây là nhiệm vụ mới, chưa từng có tiền lệ trên cả nước. Việc giải ngân, thực hiện các dự án, tiểu dự án vẫn còn chậm do còn có những lúng túng của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, chưa đảm bảo đủ cơ chế, quy định để địa phương triển khai thực hiện. Việc phân bổ vốn sự nghiệp chưa phù hợp do địa phương không có đối tượng; nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi.

“Từ nay đến cuối năm, Bạc Liêu tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 và sớm giải ngân nguồn vốn của 2 năm 2022, 2023. Trong đó, đối với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở Dự án 1 cần đề xuất phương án cụ thể nhằm có cơ chế, chính sách mới triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo DTTS theo quy định. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa, quyết tâm tập trung triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo giải ngân nguồn vốn được phân bổ của năm 2023 đạt trên 90%, đây là nhiệm vụ nặng nề để có thể giải ngân nguồn vốn đạt yêu cầu Trung ương giao; điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ chính sách nhà ở, đất ở của dự án 1 lên 46 triệu đồng/trường hợp; dự án 6 bổ sung thêm 3 nội dung thực hiện. Đặc biệt lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép nguồn vốn các dự án, tiểu dự án của Chương trình để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra” - ông Duy nói.

Các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào DTTS sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc nâng lên. Đây là cơ sở để tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu.

Hữu Lợi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bac-lieu-day-manh-giai-ngan-von-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post468125.html