Bạc Liêu: Diêm dân 'méo mặt' vì muối được mùa nhưng rớt giá
Tại tỉnh Bạc Liêu, niềm vui bội thu vụ muối nhanh chóng tan biến khi giá muối rớt thê thảm, khiến diêm dân tại đây 'méo mặt' lo âu.
Vựa muối Bạc Liêu hiện đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Năm nay, diêm dân được mùa nhưng lại đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi giá muối xuống thấp kỷ lục, khiến cuộc sống vốn đã bấp bênh nay càng vất vả hơn.
Dưới cái nắng gay gắt của tháng 4, cánh đồng muối ở xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu như bừng sáng bởi màu trắng tinh khôi của những hạt muối. Dọc theo bờ ruộng, những diêm dân với chiếc nón lá che nghiêng, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, đang thoăn thoắt cào muối. Bà Nguyễn Thị Lan, một diêm dân có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề cho biết: "Mùa muối bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm nắng nhiều nhất, thuận lợi cho sản xuất muối. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng gay gắt hơn mọi năm, khiến cho công việc của diêm dân càng thêm vất vả. Hai tháng nay, giá muối rớt thảm hại, chỉ còn 1.000 đồng/kg, so với năm ngoái, giá muối giảm hơn một nửa. Nhiều nhà chở muối về trữ chờ giá lên, nhưng nhà tôi muối nhiều quá, chở không xuể, đành bán rẻ để làm tiếp đợt muối mới”, bà Lan chia sẻ.
Bà Lan cho biết thêm, ngoài công sức hiện làm muối cũng phải đầu tư nhiều vốn để mua các dụng cụ như máy bơm nước, ống bơm. Ước tính với mức giá như trên, diêm dân không có lãi, gần như hòa vốn. Thậm chí, nhiều ruộng muối nằm xa đường lộ, tiền công vận chuyển còn không đủ. Vì vậy, nhiều gia đình buộc phải giữ sản phẩm bằng cách mua bạt phủ lên muối ở ngay trên cánh đồng để bảo quản, chờ giá nhích lên. Tuy nhiên, việc bảo quản này chỉ kéo dài tới mùa mưa và bắt buộc phải bán nếu không sẽ bị hư hỏng.
Cặm cụi trên cánh đồng muối từ sáng sớm đến chiều tối, diêm dân phải chịu đựng cái nắng như thiêu như đốt, da cháy sạm, môi nứt nẻ. Ông Nguyễn Văn Lành, một diêm dân xã Điền Hải cho biết thêm: "Nắng càng to, muối càng nhanh kết tinh. Do vậy, diêm dân phải tranh thủ phơi muối khi trời nắng ráo. Nắng nóng, mệt mỏi là chuyện bình thường, nhưng vất vả nhất là vào những ngày mưa. Muối bị ngấm nước sẽ tan chảy, coi như công sức đổ sông đổ bể".
Ông Lành cho rằng, năm nay giá muối thấp vì nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi sản lượng tăng cao nhờ thời tiết thuận lợi. “Năm nay, gia đình tôi sản xuất được hơn 10 tấn muối, nhưng giá bán quá thấp nên thu nhập không đủ trang trải chi phí”.
Nghề làm muối vốn đã vất vả, nay lại càng thêm khó khăn bởi giá muối xuống thấp. Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng leo thang nên chi phí sản xuất muối cũng tăng theo khiến cuộc sống của diêm dân càng thêm khó khăn. Những diêm dân ở đây rất mong mỏi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền để có thể duy trì nghề truyền thống này.
Nghề sản xuất muối Bạc Liêu là nghề truyền thống được hình thành và phát triển hơn một trăm năm. Muối được sản xuất tại Bạc Liêu thường có hàm lượng magiê, canxi, sunfat... rất thấp, không gây vị đắng, chát. Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013. Cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong niên vụ năm 2023, sản lượng muối tỉnh Bạc Liêu đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng trải bạt năm 2023 là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha (đối với muối trải bạt). Bạc Liêu hiện có khoảng 1.411 ha diện tích sản xuất muối.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào ngành sản xuất muối, khuyến khích phát triển các ý tưởng, công nghệ làm muối mới nhằm nâng cao giá trị hạt muối, giúp cho diêm dân trong tỉnh tăng thu nhập, bảo vệ và duy trì nghề muối có từ lâu đời.
Dự kiến cuối năm nay, tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival muối nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối trong nước nói chung, muối Bạc Liêu nói riêng; xúc tiến đầu tư, thương mại kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại muối; tạo động lực để ngành muối trong nước cạnh tranh được với muối nhập khẩu tại thị trường nội địa.