Bạc Liêu: Giữ rừng, chống biến đổi khí hậu

Rừng phòng hộ là lá chắn tự nhiên bảo vệ khu vực ven biển, do đó tỉnh Bạc Liêu xác định bảo vệ rừng phòng hộ là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để giảm rủi ro thiên tai.

Hiện trạng chất lượng rừng đang bị suy giảm

Tài nguyên rừng đóng vai trò thiết yếu trong bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và cung cấp sinh kế cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, tài nguyên rừng ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng dẫn đến sự suy giảm về diện tích và chất lượng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ: “Những thống kê cho thấy diện tích, chất lượng rừng trên toàn Thế giới và trong nội bộ các quốc gia đã giảm nhiều từ hàng trăm năm trở lại đây. Ai cũng biết rừng là lá phổi xanh của hành tinh, là nguồn sống của nhân loại trong nhiều giai đoạn lịch sử (gỗ là nguyên liệu làm nhà, làm đồ dùng, củi là nhiên liệu, các loại thức ăn từ rừng,…) và bây giờ vẫn là nhân tố điều hòa khí hậu, điều hòa nguồn nước trên địa cầu. Gỗ, lâm sản ngoài gỗ là hàng hóa đã và vẫn được sử dụng rất nhiều trong các ngành kinh tế. Khi dân số tăng lên thì một nguyên nhân phá rừng khác nảy sinh đó là phá rừng lấy đất làm nông nghiệp. Vì vậy, khai thác rừng vẫn là ngành kinh tế đem lại nguồn lợi đáng kể ở một số quốc gia. Trong thời gian dài khai thác rừng quá mức, khai thác trắng diễn ra ở nhiều nơi mà rừng đã bị thu hẹp về diện tích và suy giảm chất lượng, suy giảm tài nguyên”.

 GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Chất lượng rừng hiện đang bị suy giảm. Các khu rừng tự nhiên còn lại thường bị phân mảnh làm giảm khả năng duy trì đa dạng sinh học và làm tổn hại đến các dịch vụ sinh thái quan trọng mà rừng cung cấp. Trong khi đó, những khu rừng sản xuất dù được trồng với mục tiêu cung cấp gỗ và lâm sản lại thường có cấu trúc đơn giản hơn, thiếu khả năng phục vụ các chức năng phòng hộ và điều hòa khí hậu.

Biến đổi khí hậu đã làm tình hình càng thêm nghiêm trọng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và hạn hán ngày càng trở nên phổ biến và cường độ cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các khu rừng. Sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa cũng làm thay đổi sự phát triển của cây trồng, sự phân bố của các loài động thực vật khiến cho các hệ sinh thái rừng gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng tự nhiên.

Khai thác gỗ và lâm sản cũng là một thách thức lớn đối với tài nguyên rừng. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý và bảo vệ, khai thác trái phép và không bền vững vẫn tiếp tục diễn ra, làm cạn kiệt tài nguyên rừng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.

Khu vực ven biển Bạc Liêu sở hữu tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sinh kế cho hơn 100.000 người dân. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu bao gồm sự dâng cao của mực nước biển và xâm nhập mặn. Gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển, đê biển do thay đổi dòng chảy, sóng to và gió lớn đã gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Việc mất đi diện tích rừng phòng hộ ven biển tại một số khu vực như xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) và xã Long Điền Tây, thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) càng làm trầm trọng thêm tình trạng sạt lở.

Nhằm bảo vệ và phát huy lợi ích của rừng, tỉnh Bạc Liêu đã duy trì cũng như ổn định diện tích rừng phòng hộ hiện có, giao khoán cho 400 tổ chức, hộ gia đình và cá nhân với tổng diện tích 3.089 ha. Đồng thời, tỉnh cũng quản lý và bảo vệ hơn 4.314 ha rừng phòng hộ ven biển. Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và địa phương, đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm để đẩy mạnh công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng. Những nỗ lực này nhằm tăng cường độ che phủ rừng, nâng cao chức năng phòng hộ chắn gió, chắn sóng và chống xói lở ven biển góp phần quan trọng trong ứng phó với BĐKH, bảo vệ cộng đồng cư dân ven biển.

Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng

Trong giai đoạn 2025 - 2030, Bạc Liêu đặt ra mục tiêu phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng ven biển bằng cách triển khai một loạt dự án quan trọng. Một trong những dự án chủ chốt là phục hồi 20 ha rừng phòng hộ ven biển, đồng thời xây dựng một vườn ươm cây giống với diện tích 3 ha tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải. Dự án này không chỉ cung cấp cây giống cho các hoạt động trồng rừng mà còn góp phần tạo ra môi trường sống bền vững cho hệ sinh thái địa phương.

Bạc Liêu cũng sẽ phát triển 1.200 ha mô hình nuôi tôm kết hợp nuôi cua và sò huyết dưới tán rừng, một phương pháp giúp tăng cường sinh kế cho cộng đồng đồng thời bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, mô hình nuôi ong lấy mật sẽ được triển khai tại rừng phòng hộ ven biển xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình nhằm tận dụng tiềm năng của rừng để sản xuất mật ong và bảo vệ đa dạng sinh học. Đặc biệt, tỉnh sẽ thiết lập mô hình du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng qua đó tạo ra cơ hội kinh tế bền vững và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Để thực hiện những mục tiêu này, tỉnh Bạc Liêu sẽ mở 30 lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng và bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống trong và ven rừng, đặc biệt là các hộ nhận khoán rừng. Những lớp tập huấn này sẽ trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để cộng đồng có thể quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Các địa phương trong tỉnh sẽ tập trung đầu tư vào việc trồng rừng phòng hộ, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Việc xây dựng và phát triển rừng ngập mặn cùng hành lang đa dạng sinh học sẽ được chú trọng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường cũng như duy trì giá trị đa dạng sinh học. Quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn sẽ được thực hiện một cách bền vững, bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích quốc gia, địa phương cùng các tổ chức, cá nhân tham gia.

Tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ đầu tư vào các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường nghiên cứu khoa học và công nghệ, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các thay đổi khí hậu. Mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận cơ hội phát triển và hưởng lợi từ các chương trình, dự án phát triển bền vững. Ưu tiên sẽ được dành cho các chương trình và dự án phát triển nhằm phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thanh Trúc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bac-lieu-giu-rung-chong-bien-doi-khi-hau-91494.html