Bạc Liêu hướng đến trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng sạch

Việc lồng ghép xanh vào phát triển kinh tế địa phương với ba trụ cột là năng lượng tái tạo - nuôi trồng, chế biến thủy sản - du lịch đã đưa tỉnh Bạc Liêu, đến nay là địa phương xây dựng thành công các mô hình phát triển bền vững, giúp nông dân 'đổi đời'...

Một cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu, cũng là điểm đến tham quan, du lịch cho du khách.

Một cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu, cũng là điểm đến tham quan, du lịch cho du khách.

Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước là định hướng phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh được Chính phủ xác định trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt .

Từ lâu, Bạc Liêu được cả nước biết đến là địa phương sản xuất muối nổi tiếng, cùng với nhiều địa phương khác như Ba Tri (Bến Tre), Cà Ná, Phương Cựu (Ninh Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Diêm Điền (Thái Bình)… Muối Bạc Liêu được người tiêu dùng khắp nơi tin dùng, cả trong nguyên liệu sản xuất và gia vị tiêu dùng.

Tuy nhiên, đời sống diêm dân (người làm nghề muối) thì khá vất vả, do giá muối khá rẻ trong khi công sức bỏ ra để có được ký muối lại khá lớn. Muối thành phẩm đóng gói 0,5 kg/gói có giá thị trường 5.000 đồng, muối nguyên liệu giá càng thấp hơn. Ngoài ra diêm dân canh tác nghề muối còn phải “chống chọi” với thời tiết diễn biến thất thường ở vùng duyên hải Tây Nam Bộ này.

CHUYỂN HƯỚNG NGOẠN MỤC TỪ MUỐI SANG NĂNG LƯỢNG XANH

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, chia sẻ Bạc Liêu đang đau đầu với nan đề là làm sao để diêm dân có thể bán ký muối với giá cao hơn. Xa hơn là ngoài nghề muối cần làm sao đảm bảo sinh kế cho người dân từ đó phát triển kinh tế địa phương.

Sau một thời gian rà soát, nghiên cứu và tìm hiểu các nhà quản lý của tỉnh đã đi đến lựa chọn đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch-một thế mạnh khác của địa phương là giải pháp thay thế.

Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, bãi bồi ven biển rộng và tương đối bằng phẳng; vùng duyên hải có gió mạnh và khá ổn định, bình quân tốc độ gió là 7m/s.

Đây cũng là tỉnh có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần.

Với những cánh đồng điện gió bạt ngàn, dự án điện mặt trời và điện mặt trời áp mái... phát triển năng lượng xanh đang là ưu thế gần như “tuyệt đối” của Bạc Liêu trong các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu, là nhà máy điện gió ven biển đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Cánh đồng gió Bạc Liêu chính là cánh đồng gió đầu tiên và cũng là cánh đồng gió lớn nhất tại Việt Nam.

Sở hữu nguồn tiềm năng thuận lợi lớn cho phát triển năng lượng sạch, Bạc Liêu đã xác định phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí là trụ cột thứ hai trong năm trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, để triển khai các dự án điện gió mà không làm ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống và đất đai của người dân, tỉnh đã xác định tiến trình triển khai sẽ chọn những khâu khó, ở xa để bắt đầu như xây dựng các trụ điện gió ngoài khơi, sau đó mới tiến vào đất liên.

Theo đó, Bạc Liêu vừa đẩy mạnh khai thác tiềm năng lớn là xây dựng Bạc Liêu thành tỉnh trung tâm năng lượng sạch, vừa giúp doanh nghiệp tăng cường cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.

TRỞ THÀNH TRUNG TÂM SẢN XUẤT NĂNG LƯỢNG SẠCH QUỐC GIA

Thời gian qua, Bạc Liêu đã triển khai 8 dự án điện gió gần 500 mW, sử dụng nguồn lực tại chỗ, đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ như điện gió Bạc Liêu, Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2, LNG Bạc Liêu,…

Cùng với hàng trăm hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới với tổng công suất là 3.366,4 kWp, đến nay Bạc Liêu đóng góp sản lượng điện khoảng 1.182.331 kWh hòa vào lưới điện quốc gia.

Các dự án điện gió bắt đầu làm từ ngoài khơi trước, sau đó mới tiến vào đất liền nhằm tránh sử dụng đất đai ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Các dự án điện gió bắt đầu làm từ ngoài khơi trước, sau đó mới tiến vào đất liền nhằm tránh sử dụng đất đai ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), Bạc Liêu hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng điện phát điện lên lưới với hơn 01 tỷ kWh (tính từ đầu tháng 02/2020).

Trong Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016 của Bộ Công Thương thì tổng công suất tiềm năng điện gió có thể phát điện thương mại của tỉnh Bạc Liêu là hơn 2.507 mW. Đây là con số khá lớn, khẳng định ưu thế về phát triển năng lượng sạch của Bạc Liêu so với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế biển đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Theo đó, định hướng phát triển ngành kinh tế quan trọng của Bạc Liêu cụ thể như sau.

Với Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới: Đầu tư, xây dựng nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 mW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ. Phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh). Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Trong quá trình triển khai, địa phương cũng suy tính làm sao để hài hòa giữa nghề làm muối, nuôi tôm và sản xuất điện sạch. Tỉnh đã quyết định lựa chọn áp dụng công nghệ vào nuôi tôm.

Theo đó, từ nuôi trồng nhỏ lẻ thù công, các cơ sở nuôi tôm truyền thống định hướng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít nước, ít ô nhiễm môi trường từ đó các ngành nghề khác đồng thời cùng được hưởng lợi. Người dân sản xuất lúa, tôm không dùng kháng sinh còn doanh nghiệp đầu tư lớn, dành nhiều nguồn lực hơn để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.

Cùng với năng lượng tái tạo, nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng sản xuất xanh, ngành du lịch (xanh) là trụ cột thứ 3 trong chiến lược phát triển của Bạc Liêu.

Cụ thể, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước…

Được biết, hiện Bạc Liêu có nhiều điểm đến nổi tiếng đã và đang thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước, như: Khu sinh thái nông trại xanh, khu du lịch sinh thái Phương Nam, cánh đồng hoa Huỳnh, vườn dưa lưới Yến Nhi, khu sinh thái ven biển Nhà Mát Bạc Liêu, nông trại Tôm khỏe, khu sinh thái Hương Rừng…

Anh Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bac-lieu-huong-den-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-va-xuat-khau-nang-luong-sach.htm