Bạc Liêu: Kịp thời cứu sống bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ não cấp
Kinhtedothi – Do kịp thời tận dụng tốt 'thời gian vàng,' ngành y Bạc Liêu vừa thành công cứu sống một cụ ông mắc nhiều bệnh nền bị đột quỵ não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết. Trước đó, khi nhập viện bệnh nhân đang trong tình trạng tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng.
Vào lúc 12 giờ 46 phút ngày 10/3, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tiếp nhận trường hợp cụ ông V.T.L (74 tuổi, địa chỉ tại khóm 1, phường 7, TP Bạc Liêu) trong tình trạng mệt, lừ đừ, yếu chi, đi lại khó.
Người nhà cho biết, cụ L. có tiền sử nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, tăng lipid máu, trào ngược dạ dày thực quản. Trước nhập viện, bệnh nhân sau khi ngủ dậy, bước đi khoảng 10 mét thì có triệu chứng loạng choạng, yếu nửa người trái, sau đó mệt và lừ đừ. Nên được người nhà khẩn cấp đưa đến Bệnh viện Thanh Vũ để điều trị.
Qua thăm khám, chụp CT-scanner 160 lát cắt sọ não các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não do huyết khối động mạch não. Kèm theo tổn thương chất trắng dưới vỏ vùng trán - thái dương - đỉnh hai bên dạng nốt. Ngay lập tức, ê kíp bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu tiến hành khởi động quy trình phản ứng nhanh khẩn cấp tranh thủ “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh bị nhồi máu não. Theo đó, bệnh nhân được chỉ định điều trị tái thông mạch máu khẩn cấp với thuốc tiêu sợi huyết Alteplase. Trong quá trình truyền thuốc, bệnh nhân phục hồi dần sức cơ tay chân và không ghi nhận phản ứng phụ trong lúc truyền thuốc.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, được theo dõi tình trạng sức khỏe tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Thanh Vũ. Dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BS.CKI Nguyễn Hoàng Duyên - Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, ê kíp bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, người trực tiếp điều trị trường hợp trên cho biết: “Bệnh nhân V.T.L. - 74 tuổi có nhiều bệnh nền, được chẩn đoán nhồi máu não do huyết khối động mạch não. Nếu không tái thông mạch máu khẩn cấp với thuốc tiêu sợi huyết kịp thời bệnh nhân có thể tàn phế suốt đời hoặc nặng hơn nữa là tử vong”.
Thuốc tiêu sợi huyết rTPA (Alteplase) có vai trò giảm tỷ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ não. Để đạt tác dụng, người bệnh cần được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 4h30 phút kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng. Do đó, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tỷ lệ người bệnh không bị tàn phế, hoặc liệt vận động mức tối thiểu tăng thêm hơn 30% nếu được điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết trong 4 giờ 30 phút đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. 13% người bệnh có thể phục hồi chức năng sau ba tháng.
Hiện nay, BVĐK Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đã triển khai điều trị bệnh nhân đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết. Các ca phát hiện sớm, điều trị kịp thời với thuốc tiêu sợi huyết đều phục hồi nhanh chóng, hiệu quả. Quan trọng nhất, để đạt được các tác dụng này, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt trong giờ vàng, tối ưu là trong 3 giờ đầu, và trễ nhất là 4,5 giờ, kể từ khi có triệu chứng. Với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cùng với trang thiết bị hiện đại như máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp CT-scanner 160 lát cắt giúp chẩn đoán sớm, chính xác bệnh đột quỵ não, qua đó đưa ra phương pháp xử trí nhanh chóng, phù hợp, tỷ lệ thành công trong điều trị cao, góp phần làm giảm nguy cơ tử vong ở người bệnh, ít để lại di chứng, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng và trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Theo Bộ Y tế, đột quỵ là một trong những bệnh nguy hiểm gây tử vong nhanh nhất hiện nay và là nguyên nhân phổ biến nhất gây tàn phế vĩnh viễn ở các nước công nghiệp hóa. Ở Việt Nam, ước tính hằng năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2008, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ từ năm 2013 đến nay đã giảm khoảng 17%, trong khi đó số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ tăng mạnh, chiếm 90%. Vì thế, người dân cần thường xuyên thăm khám, tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng ngừa và nhận biết sớm đột quỵ, người dân cần dựa vào thang điểm FAST như sau:
+ F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
+ A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
+ S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
+ T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.