Bạc Liêu mưu trí trong thời chiến, bản lĩnh ở thời bình
Công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta đã ghi dấu những chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường, trong đó có sự kiện giải phóng tỉnh Bạc Liêu vào ngày 30-4-1975, một cuộc chuyển giao quyền lực đặc biệt không có tiếng súng và thương vong. Chiến thắng đã thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn xa của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh Bạc Liêu trong việc tránh được những tổn thất vô nghĩa, bảo vệ giá trị của hòa bình và đoàn kết dân tộc.
Giải phóng không tiếng súng
Trong kháng chiến, Chùa Vĩnh Đức, tọa lạc tại phường 1, thành phố Bạc Liêu từng là nơi bảo vệ, chở che cho cán bộ cách mạng, cũng là nơi chứng kiến những thời khắc quan trọng của cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh Bạc Liêu vào 50 năm trước. Ông Thích Quảng Thiệt, Giám tự chùa Vĩnh Đức, trước đây là người được chính quyền cách mạng giao cho nhiệm vụ hoạt động bí mật trong lòng địch với thân phận là một tu sĩ. Theo ông Thiệt, đầu năm 1975, ông là Chánh thư ký Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, được ngụy quyền đưa vào giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng tử thủ. Đây là điều kiện để ông nắm và cung cấp nhiều thông tin quý báu cho cách mạng. Từ ngày 21-4, khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, lực lượng chính quyền ngụy tại Bạc Liêu bố trí canh phòng rất kỹ, trang bị vũ khí, quân lực cao điểm để tăng cường tử thủ. Lúc này, tên tỉnh trưởng Bạc Liêu dự tính sẽ sẵn sàng đánh nhau sống chết với phía quân cách mạng.
Ông Thiệt nhớ lại, ngày 24-4, ông Thiệt nhận được thông tin lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh gặp mặt để trao đổi một số thông tin có liên quan đến chiến thuật giải phóng. Lúc này, ông mới biết cách mạng sẽ cử một người vào ở trong chùa Vĩnh Đức để trực tiếp đấu tranh giành chính quyền. Sáng ngày 28-4, ông Thiệt đi đón ông Lê Quân (Ủy viên Khu 9), người được Khu ủy Khu 9 và Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ trên. “Với cương vị của tôi lúc bấy giờ thì mọi nhất cử nhất động của tôi đều bị theo dõi, giám sát nên tôi phải hóa trang rất kỹ để tránh tai mắt địch và đưa được ông Lê Quân vào chùa an toàn”, ông Thiệt kể.

Ông Thích Quảng Thiệt (ngoài cùng bên trái) ôn lại ký ức Ngày giải phóng Bạc Liêu.
Nhắc lại sự kiện giải phóng tỉnh Bạc Liêu, bà Huỳnh Thanh Hoa lúc đó giữ cương vị Bí thư Thị đoàn Bạc Liêu, người chứng kiến cuộc đàm phán giữa hai bên cho biết, sau khi nắm được tình hình địch, đặc biệt là diễn biến tư tưởng của chỉ huy và binh lính, Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận để buộc địch đầu hàng. Sau khi bàn bạc thống nhất, sáng 30-4-1975, tại chùa Vĩnh Đức, phái đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu do đồng chí Lê Quân, Đặc phái viên Khu ủy Khu Tây Nam Bộ dẫn đầu, đã trực tiếp vào dinh tỉnh trưởng gặp Đại tá, Tỉnh trưởng ngụy quyền Nguyễn Ngọc Điệp để vận động bàn giao chính quyền cho cách mạng. Bà Hoa kể: “Đại tá Điệp nói tôi còn 12.000 quân trong tay mà sao các ông dám ra ngoài này. Đồng chí Lê Quân mới nói, tôi biết anh còn 12.000 quân trong tay, nhưng mà anh biết trong 12.000 quân của anh thì đã có bao nhiêu người nhận giấy thông hành của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, và trong số đó, khi mà tôi ra lệnh thì sẽ có bao nhiêu mũi súng chĩa vào các ông, các ông có biết không. Và chúng tôi đã nắm chắc được phần thắng trong tay rồi thì chúng tôi mới tới gặp anh để hai bên cùng ngồi với nhau, cùng thương lượng để chúng ta tránh một cuộc chiến không cần thiết đổ máu của nhiều người. Lúc bấy giờ đại tá Điệp chấp nhận đầu hàng mà không có điều kiện gì khác”.
Đến nghị lực vươn lên trong gian khó
Sau bao nhiêu năm bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh rồi kinh tế bao cấp với đầy rẫy khó khăn sau ngày hòa bình lập lại, Bạc Liêu ngày mới chia tách, cũng như một gia đình nhỏ ra riêng từ một đại gia đình, vốn liếng không nhiều. Từ cơ sở vật chất đến con người, tất cả đều thiếu.
Trong sự thiếu thốn ban đầu ấy, chủ trương của tỉnh lúc bấy giờ lại là ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn. Sự đầu tư cho nông thôn được bắt đầu từ việc xây dựng hạ tầng nông thôn vốn rất yếu kém sau ngày chia tách. Chương trình chỉ đạo số 01 về một số công việc cấp bách quan trọng trước mắt trong tháng 1-1997 do Tỉnh ủy ban hành trong những ngày đầu tái lập xác định một trong những nhiệm vụ đầu tiên là chuẩn bị kế hoạch và triển khai thực hiện khẩn trương việc huy động vốn trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn. Trong năm đầu tiên sẽ đưa điện về 8 xã, thi công các tuyến lộ Bạc Liêu - Nhà Mát, Cầu Sập - Ngan Dừa, Giá Rai - Gành Hào, hiện đại hóa thông tin liên lạc, phát triển mạnh mạng lưới giao thông nông thôn, tập trung xây dựng thêm trường lớp, xóa lớp học ca 3 và trường tạm bợ...
Theo lời kể của một số nhân chứng, trong thời điểm đó, thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền, phong trào làm giao thông nông thôn ở các địa phương rất sôi nổi, người người, nhà nhà cùng chung tay góp sức. Đường điện kéo về những vùng quê xa, những ngôi trường khang trang mọc lên nhanh chóng, đường về trung tâm xã và tận các ấp xa được tráng nhựa hay bê tông hóa.

Diện mạo quê hương Bạc Liêu sau 50 năm giải phóng.
Khi hạ tầng nông thôn dần nên hình dáng, tận dụng bờ biển dài 56km cùng vùng đặc quyền kinh tế trên biển và ngư trường khai thác hải sản rộng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho nghề khai thác và đánh bắt thủy, hải sản phát triển, đặc biệt là các tiểu vùng sinh thái mặn và sinh thái lợ rất phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản mà chủ lực là nuôi tôm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã xác định trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là kinh tế biển. Trong đó, từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và tiếp tục là nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội.
Ðến nay, Bạc Liêu đã triển khai 8 dự án điện gió như: Ðiện gió Bạc Liêu, Hòa Bình 1, Ðông Hải 1, Ðông Hải 2, LNG Bạc Liêu... với công suất gần 500MW, cùng với đó, việc hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới, đến nay Bạc Liêu đóng góp sản lượng điện khoảng 1.182.331 kWh hòa vào lưới điện quốc gia, giúp giảm phát thải 391.318 tấn CO2/năm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn. Không chỉ tăng nguồn năng lượng sạch, an toàn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn tăng thu ngân sách cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Chia sẻ về những bước đi, cách làm của địa phương, ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết: “Thực hiện Quyết định số 1598/QÐ-TTg ngày 8-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát là xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường thiên nhiên được bảo vệ và phát triển. Kế thừa những thành quả sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mục tiêu, tư duy, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh về kinh tế biển không ngừng đổi mới, nâng cao và từng bước hoàn thiện về đường hướng, chiến lược phát triển. Từ khi tỉnh chủ trương thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đời sống của nhân dân cả một vùng ven biển rộng lớn đổi thay rất nhiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các dịch vụ phụ trợ phát triển theo, bà con có thêm việc làm và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới”.
Bạc Liêu từng được ví von như "chàng lực điền" say sưa ngủ trên cánh đồng màu mỡ. Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Năm 2024, tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng GRDP 6,62%, đứng 10/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; GRDP bình quân đầu người 70,66 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho thấy, "chàng lực điền" ấy đã vươn mình đưa Bạc Liêu vươn ra biển lớn.
50 năm trôi qua, cuộc giải phóng Bạc Liêu trong hòa bình không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất của dân tộc, mà còn là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhân ái, mong muốn hòa hợp dân tộc của chính quyền cách mạng và nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Đó cũng là những giá trị mà Đảng ta luôn hướng đến trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Bài và ảnh: THÚY AN