Bạc Liêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ðể cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Bạc Liêu triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm điều kiện dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không làm đúng quyền hạn, trách nhiệm.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Hồng Tươi

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Hồng Tươi

Ðể cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Bạc Liêu triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm điều kiện dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không làm đúng quyền hạn, trách nhiệm.

Sở Kế hoạch và Ðầu tư phấn đấu bảo đảm thời hạn làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn bốn giờ làm việc, kể từ lúc tiếp nhận đủ thủ tục hợp lệ. Sở Tài chính xây dựng phương án tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ngân sách nhà nước sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng cường khảo sát, điều tra, giới thiệu và kết nối với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tương tác thông qua chính quyền điện tử... Bạc Liêu cũng yêu cầu các ban, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cung cấp dịch vụ; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ tín dụng; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; tiếp tục cải thiện điểm số và các chỉ số môi trường kinh doanh, nhất là về chỉ số đăng ký tài sản. Với chiến lược và những kế hoạch trung, dài hạn có mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể, tỉnh phấn đấu sớm cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển bền vững.

* Tỉnh Sơn La có hơn 350 nghìn héc-ta đất nông nghiệp với nhiều sản phẩm chất lượng, có lợi thế cạnh tranh. Với việc phê duyệt danh mục 72 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết với các hộ nông dân, gắn với nhà máy chế biến nông sản. Trong trồng trọt, đã có mô hình doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả liên kết với cơ sở chế biến và hệ thống siêu thị. Ngành chăn nuôi có mô hình tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn. Việc đẩy mạnh phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã góp phần rất tích cực phát triển bền vững nền nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, Sơn La đang hỗ trợ việc duy trì, phát triển 197 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tạo được sức thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các HTX trong phát triển vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, gắn với đầu tư nhà máy chế biến nông sản, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu. Tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hầu hết HTX và người dân quan tâm, tham gia hình thức liên kết chuỗi giá trị do doanh nghiệp đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm. Ðây thật sự là mô hình phù hợp quy mô sản xuất hàng hóa lớn, thuận lợi cho việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu bền vững và đầu ra ổn định cho sản phẩm.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bac-lieu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-647669/