Bạc Liêu: Nâng cao nghiệp vụ công tác xây dựng VBQPPL và công tác pháp chế
Ngày 22/8, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu chủ trì, phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và công tác pháp chế cho gần 200 đại biểu là công chức phụ trách công tác pháp chế và công chức tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Tham dự lớp tập huấn, có ông Nguyễn Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu; Đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh; Đại diện lãnh đạo HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố...
Xây dựng VBQPPL và công tác pháp chế
Công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phục vụ yêu cầu về quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần rất lớn cho công tác quản lý, điều hành nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, công tác pháp chế rất quan trọng vì đây là nhiệm vụ để các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện một hoặc nhiều công việc cụ thể nhằm thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, thực hiện đạt mục tiêu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu cho biết: “Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Luật như: Chỉ thị về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; Công văn hướng dẫn quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp; Công văn thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật... Từ đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Được sự hỗ trợ hướng dẫn từ Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, phản biện của Ủy ban MTTQVN tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, từ đó công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, quy trình xây dựng VBQPPL có nhiều đổi mới. Công tác thẩm định tại Sở Tư pháp từng bước được nâng lên, đảm bảo kịp thời, có chất lượng. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật đã được Sở Tư pháp rút ngắn thời gian thẩm định từ 15 ngày xuống còn từ 2 đến 5 ngày, chất lượng thẩm định được đảm bảo.
Đến nay, tỉnh Bạc Liêu cơ bản có hệ thống VBQPPL tương đối hoàn chỉnh, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực, trong đó có nhiều quy định chính sách đặc thù của tỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Các văn bản ban hành đều được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước và Nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương”.
“Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng VBQPPL và công tác pháp chế vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số cơ quan, đơn vị chưa có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn tình trạng nợ đọng văn bản, chậm ban hành, lùi thời gian ban hành; chất lượng soạn thảo chưa cao; công tác thẩm định văn bản còn hạn chế; đội ngũ công chức tham mưu, soạn thảo VBQPPL còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu” - ông Nguyễn Duy Tuấn cho biết thêm.
Tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng
Tại lớp tập huấn, các đại biểu nghe Báo cáo viên Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 về sửa đổi Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế…
Báo cáo viên Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Công tác xây dựng pháp luật Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), giới thiệu điểm mới của Nghị định 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều, bởi Nghị định 154/2020/NĐ-CP như đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản, đồng thời đảm bảo phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); bổ sung một số biểu mẫu trong xây dựng VBQPPL. Ngoài ra, các đại biểu được hướng dẫn quy trình soạn thảo VBQPPL các văn bản do UBND, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.
Cũng tại lớp tập huấn, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi về khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng VBQPPL… đồng thời, Báo cáo viên giải đáp, hướng dẫn rõ ràng nhằm giúp cho công tác này trong thời gian tới thực hiện tốt hơn.
Qua lớp bồi dưỡng, nhằm giúp các đại biểu nắm rõ các quy định của pháp luật về xây dựng VBQPPL và công tác pháp chế, đây là những nội dung quan trọng, rất bổ ích và hết sức thiết thực