Bạc Liêu: Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào

Thời gian gần đây, Ban Dân tộc và Tôn giáo (DTTG) tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình thiết thực để hỗ trợ người dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Ông Trịnh Thanh Phong - Trưởng Ban DTTG tỉnh Bạc Liêu - cho biết, Bạc Liêu hiện có 225.293 hộ dân với 917.216 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số có 20.710 hộ với 90.509 khẩu (chiếm tỷ lệ 9,19%), riêng đồng bào Khmer có 17.044 hộ với 74.209 khẩu, chiếm tỷ lệ 7,56% dân số toàn tỉnh.

Để hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, nhiều chương trình, chính sách về phát triển sản xuất, an sinh xã hội dành cho đồng bào đã được triển khai đến từng thôn ấp trên địa bàn.

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo đó, Ban DTTG đã tiến hành rà soát, thống kê lại đối tượng thụ hưởng chính sách, nhu cầu nguồn vốn và dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 54 tỷ đồng cho 2.036 hộ nghèo. Đồng thời, triển khai hỗ trợ kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng để hỗ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề cho 1.460 hộ nghèo. Riêng năm 2020, Ban DTTG đã vận động được gần 3,5 tỷ đồng, qua đó dựng được 32 căn nhà tình thương; trao 3.240 suất quà, 80 tấn gạo, 20 chiếc xe đạp, 2.000 suất vở (15 quyển/suất) cho học sinh nghèo, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; cấp miễn phí 14.544 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về Chương trình 135, tỉnh Bạc Liêu đã phân bổ 22, 7 tỷ đồng đầu tư vào 10 xã và 41 ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Trong đó đã xây dựng mới 61 tuyến đường với hơn 29,3km, 1 cây cầu nông thôn; sửa chữa 10 công trình tuyến đường, cầu hư hỏng và hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho 1.091 hộ dân nghèo về con giống và vật tư nông nghiệp...

Có thể thấy, thông qua các chính sách và giải pháp hỗ trợ đồng bào làm kinh tế của chính quyền và ban ngành, nhiều hộ dân người đồng bào có thêm vốn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó cuộc sống đã khấm khá hơn từng ngày. Trước đây, gia đình có 4 công rẫy nhưng cuộc sống của gia đình chị Trương Thị Sà Phinh là người Khmer ngụ ở ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn. Mấy năm qua, nhờ hỗ trợ về kỹ thuật của chính quyền, chị Phinh đã trồng nhiều loại rau màu khác nhau, nhờ đó mỗi năm chị Phinh thu tiền lãi gần 80 triệu đồng. Ngoài tăng thu nhập từ trồng rau màu trái vụ, chị còn tích cóp và mua thêm được 7 công đất ruộng để có cơ hội làm giàu.

Thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân hiện có hơn 28% số hộ là người Khmer, tập trung cư ngụ nhiều ở ấp Trèm Trẹm, Bà Gồng, Bà Hiên… Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ - Bí thư Ðảng ủy thị trấn Ngan Dừa, ngoài các gói hỗ trợ từ chính sách để xây dựng hạ tầng, thực hện chính sách xóa đói, giảm nghèo, tính đến nay thị trấn Ngan Dừa đã hoàn thành việc cấp đất cho bà con Khmer theo Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, cuộc sống của đồng bào ngày càng ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần.

Huyện Vĩnh Lợi hiện có khá đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong thời gian qua, ngoài hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, chính quyền sở tại còn quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Cụ thể, chính quyền huyện Vĩnh Lợi cùng với Bệnh viện Nhi Ðồng 1 TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 em học sinh đồng bào Khmer tại các xã Hưng Hội, Hưng Thành.

Ông Trịnh Thanh Phong cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16, Ban DTTG tiếp tục tham mưu cho chính quyền tỉnh Bạc Liêu về công tác dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; nhất là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Ban DTTG đã đề ra các chương trình, dự án được triển khai một cách đồng bộ, thiết thực để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với hỗ trợ về nhà ở, vay vốn để sản xuất kinh doanh, tổ chức triển khai ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Mặt khác, tổ chức khôi phục bản sắc văn hóa, ngành nghề và sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch ở những vùng có đông đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Khmer sinh sống, giúp đồng bào vượt qua khó khăn và xây dựng cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-lieu-nhieu-chuong-trinh-chinh-sach-ho-tro-dong-bao-154451.html