Bạc Liêu: Sạt lở đến mức báo động
Ngày 6/8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp khẩn về tình hình sạt lở công trình tuyến đê Biển Đông, đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng (từ Km0+046 đến cầu Chiên Túp 1), ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu).
Theo báo cáo, tỉnh hiện có 4/7 huyện, thị, thành phố xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh, rạch. Cuối tháng 7/2024, xảy ra vụ sạt lở ở ấp Vinh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) khiến cho tuyến đường bê tông chiều ngang 2,5m dài hơn 30m bị sạt lở hoàn toàn xuống sông. Ngoài ra, còn đoạn đường dài khoảng 75m tiếp giáp với kênh Khâu cũng có nguy cơ sạt lở rất cao. Nguyên nhân gây sạt lở được huyện xác định là đoạn cong của tuyến kênh Rạch Cóc - Cây Bông - Hóc Ráng bị dòng nước chảy xiết và xoáy tác động trực tiếp vào bờ.
Tại huyện Hồng Dân, do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, vùng nước ngọt ổn định của huyện bị khô hạn, mực nước trên các sông, rạch xuống thấp nên đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ kênh, sụt lún các tuyến đường giao thông và nhà dân của thị trấn Ngan Dừa, các xã Ninh Quới, Ninh Quới A và Ninh Hòa. Tổng chiều dài các tuyến sạt lở là 3.460m, trong đó sụt lún các tuyến đường ôtô với chiều dài khoảng 2km. Tại thị xã Giá Rai, sạt lở xảy ra chủ yếu trên địa bàn xã Tân Phong, xã Phong Thạnh A, phường Hộ Phòng và phường 1. Qua thống kê, tổng chiều dài sạt lở đất gần 150m, với 10 hộ bị sạt lở nhà sau hoàn toàn. Khu vực nguy cơ sạt lở cao có chiều dài 1.181m, với 30 hộ có nhà bị ảnh hưởng nứt tường và 153 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng (thuộc khóm 4 - 5, phường 1; khóm 3, phường Hộ Phòng).
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 36 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch làm thiệt hại 60 căn nhà. Trong đó, huyện Hồng Dân 20 điểm với 5 căn nhà, huyện Đông Hải 4 điểm với 2 căn nhà, thị xã Giá Rai 6 điểm với 10 căn nhà và thành phố Bạc Liêu 6 điểm với 43 căn nhà bị thiệt hại. Ngày 4/8, các đợt triều cường kết hợp sóng mạnh đã làm sạt lở đoạn đê biển Đông giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (từ Km 0+046 đến cầu Chiên Túp 1, thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu).
Báo cáo tại cuộc họp, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu thông tin, tổng chiều dài sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 100m. Trong đó, có hai vị trí là đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng hướng về cầu Chiên Túp 1 dài 50m, có chiều rộng sạt lở 5m, sâu 1,5m và đoạn từ cầu Chiên Túp 1 hướng về Sóc Trăng dài 50m, có chiều rộng sạt lở 10m, sâu 1,5m. Hiện có nguy cơ sạt lở 100m đê, gây mất an toàn, ổn định và có nguy cơ gây vỡ đê, từ đó gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất cho người dân sống trong đê trong thời gian tới. Nguyên nhân sạt lở là do vị trí bờ biển trước đoạn đê này, rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê, gây ra sạt lở đê.
“Khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh trên biển sẽ có khả năng tạo thành các con sóng rất mạnh, làm nước biển tràn qua để chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong đê. Do không còn rừng phòng hộ trước đê nên trong thời gian tới triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh sẽ còn tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê làm cho tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn”, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Kết luận cuộc họp, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần xử lý vị trí sạt lở giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng xảy ra ngày 4/8. Đề nghị các địa phương phải họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để kiến nghị UBND tỉnh địa điểm, vị trí cần ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở, có danh mục cụ thể để làm cơ sở công bố. Để khi có xảy ra thì có kinh phí khắc phục ngay, không để xảy ra rồi mới họp để xử lý.
UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư dự án khắc phục sạt lở đê biển Đông, đề nghị lựa chọn nhà thầu phải có đủ năng lực, điều kiện và kinh nghiệm làm chắn sóng bảo vệ đê biển. Đồng thời, giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư dùng nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh xử lý đoạn đê này trước để bảo vệ thân đê, không để xảy ra sạt lở thêm, bảo vệ cuộc sống người dân.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các Sở, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về pháp lý, như: Ban bố tình trạng khẩn cấp khu vực, xây dựng công trình khẩn cấp, lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện đủ năng lực để thi công… trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian sớm nhất.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bac-lieu-sat-lo-den-muc-bao-dong-380998.html