Bạc Liêu: Tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lớn kéo dài
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, kéo dài liên tục tại tỉnh Bạc Liêu, các trà lúa Hè Thu đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín tại nhiều địa phương thiệt hại nặng.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp cùng các địa phương và bà con nông dân khắc phục thiệt hại, đẩy nhanh thu hoạch, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại cho nông dân trong vụ sản xuất.
Ghi nhận tại huyện Vĩnh Lợi, một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa Hè Thu lớn của tỉnh Bạc Liêu, trong nhưng ngày qua, nông dân đang tập trung xử lý, bơm tháo nước trên đồng để giảm ngập, nhất là các trà lúa đang trong giai đoạn từ làm đòng đến trổ chín. Hy vọng của nông dân hiện nay là nước mau rút và mưa ít lại để có thể thu hoạch được lúa sắp trổ chín.
Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, mưa gây ngập và đổ ngã lúa đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và nhiều nơi không thể thu hoạch bằng máy gặt.
Hiện các địa phương đang khẩn trương cứu lúa bằng cách vận động nông dân bơm máy và vận hành hệ thống thủy lợi để tháo nước, cố gắng hỗ trợ nông dân khắc phục ảnh hưởng của mưa ngập tại các vùng trũng, hạn chế thiệt hại cho nông dân. Đối với những diện tích nào đang đến ngày thu hoạch thì tranh thủ đưa máy gặt vào để đẩy nhanh thu hoạch, tránh việc mưa dồn sẽ không hoạch được, có thể mất trắng.
Nông dân Trần Văn Lịch, xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) cho biết, hơn 30 năm làm ruộng mà chưa năm nào ruộng lúa gia đình bị ngập nặng như năm nay. Vụ sản xuất này, hơn 3 ha của gia đình không chắc thu hoạch được 30% về sản lượng. Vụ này coi như lỗ.
Còn tại huyện Hồng Dân, một trong những địa phương khi bước vào thu hoạch rộ lại rơi vào cao điểm của mưa giông, khiến cho việc thu hoạch gặp khó khăn, năng suất giảm, giá bán thấp, thiệt hại nhiều.
Ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa có diện tích lúa hơn 1 ha, những ngày qua mưa lớn kéo dài, kèm theo giông lốc đã làm thiệt hại khoảng 40% diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch của gia đình. Vụ này hòa được vốn là may mắn rồi, ông Hoàng than thở.
Cùng tâm trạng trên, ông Lâm Văn Tuấn cùng ở xã Ninh Hòa cho biết, các trà lúa của gia đình sắp thu hoạch thì mưa kéo dài liên tục, không thể thu hoạch được. Nhiều diện tích bị đổ ngã, giảm năng suất. Tranh thủ mấy ngày nay đang nắng, ông kêu máy đến thu hoạch càng nhanh càng tốt. Vụ này, ước tính trừ chi phí và lúa bị ảnh hưởng do đổ ngã, lợi nhuận giảm đi hơn 30% so với các niên vụ trước.
Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu cho biết, mưa giông những ngày qua khiến hơn 1.000 ha lúa Hè Thu chuẩn bị thu hoạch của nông dân huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi đổ ngã, ngập úng, ảnh hưởng năng suất và khó thu hoạch; trong đó huyện Hồng Dân hơn 500 ha, còn lại là ở huyện Vĩnh Lợi.
Mưa đầm còn khiến hơn 31.000 ha lúa Hè Thu muộn đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đồng của nông dân trong tỉnh bị nước nhấn chìm. Diện tích lúa thiệt hại nặng chủ yếu tập trung ở những trà lúa chín; lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đồng ghi nhận chưa thiệt nhiều.
Trước mắt, trà lúa nào đã đến ngày thu hoạch, bà con cần khẩn trương tháo nước, bơm tát cạn đến đâu tiến hành thu hoạch ngay để tránh ảnh hưởng của các đợt mưa tiếp theo.
Riêng những vùng lúa ở vùng trũng, đang làm đòng hoặc bước vào giai đoạn trổ chín, bà con nông dân nên giữ mực nước tương đối, rút nước trong ruộng lúa ra từ từ chứ không rút vội. Vì như vậy sẽ khiến dễ sập, do trong thời gian nhiều ngày ngập trong nước nên thân cây lúa mềm - ông Na khuyến cáo.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh đã gieo sạ hơn 58.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài suốt thời gian qua đã đã làm cho nhiều diện tích lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng và ngập sâu trong nước.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo kế hoạch chung của tỉnh, ngành nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau của cây lúa; phối hợp với ban, ngành chức năng cùng các địa phương khẩn trương mở cống dọc theo tuyến Quốc lộ 1A để xả nước mưa ra tuyến kênh, rạch cứu lúa; đồng thời vận động bà con chủ động bơm tát, khơi thông bờ bao, xả nước để chống ngập úng, giảm thiệt hại.