Bạc Liêu yêu cầu Tập đoàn Nguyễn Hoàng triển khai các dự án đang 'án binh bất động'
Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã 'ôm' nhiều dự án lớn về giáo dục và văn hóa tại tỉnh Bạc Liêu, tuy nhiên những dự án này lần lượt 'án binh bất động' không triển khai đúng trong cam kết của doanh nghiệp này với tỉnh trước đó.
Ba dự án chậm triển khai tại Bạc Liêu
UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Tập đoàn Nguyễn Hoàng hiện đang đầu tư 3 dự án trên địa bàn tỉnh gồm: Dự án khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu; dự án khu Bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại - dịch vụ - du lịch Công tử Bạc Liêu và dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học tư thục Ischool Bạc Liêu.
Trong đó, đáng chú ý là dự án Khu văn hóa Đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu được khởi công ngày 22/11/2019. Công trình được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 18.000m2, với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng gồm cụm nhà văn hóa, bảo tàng lịch sử, nơi du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm không gian văn hóa Bạc Liêu từ những năm 90, kết hợp cùng khu nghỉ dưỡng khách sạn 04 sao, khu vườn Pháp, khu vui chơi, quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà hàng...
Tập đoàn Nguyễn Hoàng hứa sẽ đảm bảo vừa có thể giữ được những giá trị tinh hoa văn hóa trong lịch sử, vừa mang nét hiện đại của tương lai, nơi hội tụ những giá trị bất biến theo thời gian, không gian và lịch sử.
Với thông điệp “Viết tiếp những câu chuyện trăm năm từ chàng Công tử đất Bạc Liêu” để giới thiệu với du khách biết thêm về miền đất, con người Bạc Liêu xưa, các giai thoại gắn liền với Công tử Bạc Liêu. Tuy nhiên, sau gần 3 năm khởi công, Tập đoàn Nguyễn Hoàng gần như “án binh bất động” với những dự án này.
UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, hiện nay các dự án này đều đã chậm tiến độ thực hiện, UBND tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần làm việc với nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công trên thực địa. Do đó, đề nghị nhà đầu tư khẩn trương triển khai thi công các dự án trên thực địa đảm bảo thực hiện đúng các nội dung đã cam kết tại các buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu.
Chủ đầu tư cần thực hiện đúng các nội dung cam kết đối với 3 dự án: Cụ thể, đối với dự án khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu (khu A), đề nghị nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 20/11/2022.
Đối với dự án khu Bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại - dịch vụ - du lịch Công tử Bạc Liêu, UBND tỉnh đề nghị nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm khởi công dự án trước 25/11/2022.
Riêng đối với dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học tư thục Ischool Bạc Liêu, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm khởi công dự án trước ngày 2/9/2022.
“Lưu ý, việc thực hiện các dự án theo mốc thời gian nêu trên không phải là việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Nhà đầu tư thực hiện việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành”, UBND tỉnh Bạc Liêu nêu rõ.
UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Xây dựng theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực xây dựng, cấp giấy phép xây dựng để triển khai thi công các dự án nêu trên.
Đối với khu Bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại - dịch vụ - du lịch Công tử Bạc Liêu, UBND TP.Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu B2, sớm bàn giao mặt bằng sạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Trung tâm phát triển Quỹ nhà và đất tỉnh Bạc Liêu khẩn trương triển khai các hồ sơ, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, thẩm định giá đất và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ông trùm "thâu tóm" đất vàng giáo dục
Theo tìm hiểu, tên đầy đủ của Tập đoàn Nguyễn Hoàng là CTCP Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (thành lập vào ngày 1/8/2007), ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Sự hình thành và phát triển của Tập đoàn Nguyễn Hoàng gắn liền với vai trò của doanh nhân Hoàng Quốc Việt (SN 1971).
Đầu năm 2019, công ty có tông mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Hoàng Quốc Việt. Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật là bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo (SN 1979).
Tiền thân của Tập đoàn là một cửa hàng máy tính ra đời từ cuối thế kỷ trước tại số 8 phố Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Nguyễn Hoàng cũng là đơn vị sớm áp dụng mô hình bệnh viện máy tính.
Sau đó, Tập đoàn này thành lập trường nghề i-Space, sau này nâng cấp thành trường cao đẳng nghề i-Space. Đến năm 2008, Nguyễn Hoàng này mới thực sự bước chân vào lĩnh vực giáo dục với việc mở trường đầu tiên mang tên trường hội nhập quốc tế iSchool tại Rạch Giá, Kiên Giang.
Từ đây, Nguyễn Hoàng mở rộng ra các tỉnh lân cận như Long Xuyên – An Giang (năm 2008), Long An, Quy Nhơn – Bình Định (năm 2009), Nha Trang – Khánh Hòa (năm 2010),....
Với hình thức đi "xin" đất với giá rẻ để đầu tư xây dựng hệ thống các trường, trung tâm giáo dục. Có thể nói Nguyễn Hoàng Group là ông trùm nắm trong tay nhiều đất vàng giáo dục trải dài nhiều tỉnh thành.
Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nguyễn Hoàng Group nhận được nhiều ưu đãi từ các địa phương, như: Giao đất miễn tiền sử dụng đất ở các địa phương, ưu đãi thuế 22% so với 28% (hiện nay là 10%, bằng một nửa so với các lĩnh vực kinh doanh khác. CEO Nguyễn Hoàng Group – bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo từng chia sẻ với giới báo giới, "Tùy vào mỗi tỉnh có chính sách ưu đãi khác như cho vay không lãi suất, hoặc vay với lãi suất thấp".
Năm 2011, sau 3 năm phát triển hệ thống iSchool ở các địa phương, Nguyễn Hoàng đưa vào vận hành trường mầm non Quốc tế Saigon Academy tại TP.HCM. Cuối năm đó, Nguyễn Hoàng đầu tư hệ thống trường mầm non quốc tế SGA.
Cái tên Nguyễn Hoàng bắt đầu nhận được sự chú ý lớn từ năm 2015, khi tập đoàn này tham gia một loạt thương vụ M&A đình đám, gồm mua lại cổ phần đại học quốc tế Hồng Bàng (năm 2015); sáp nhập tiếp Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Quốc tế Bắc Mỹ - SNA Nam Sài Gòn vào năm 2016; mua lại đại học Gia Định (2018) và sau đó là đại học Hoa Sen (năm 2018).
Tập đoàn Nguyễn Hoàng có tham vọng hướng đến việc thực hiện các mô hình thành phố giáo dục, nơi tập trung đầy đủ các dạng trường từ mầm non, phổ thông. Và các trường học trong hệ thống Nguyễn Hoàng Group từ mầm non đến cấp 3 có mức học phí thuộc hàng cao nhất cả nước.
Đơn cử như ở SNA, học phí mầm non đã hơn 300 triệu/năm cho năm học 2021-2022; học phí lớp 12 hơn 600 triệu/năm. Như vậy, để học từ mầm non đến hết cấp 3, mỗi học sinh phải nộp học phí vài tỷ đồng.
Như vậy, chính sách ưu đãi (trong giao đất giáo dục) liệu có đến được phần lớn người dân như tinh thần “xã hội hóa giáo dục” hay chỉ đến với doanh nghiệp hoặc cùng lắm là học sinh con nhà giàu và siêu giàu được hưởng?