Bắc Mê - Nhiều hộ thoát nghèo nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội

Với nguồn hỗ trợ từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều người dân ở huyện Bắc Mê đã xây dựng các mô hình kinh tế gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập. Qua đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.

Anh Phùng Càn Sai (người cầm Giấy khen) người đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế.

Anh Phùng Càn Sai (người cầm Giấy khen) người đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế.

Anh Phùng Càn Sai, thôn Bản Khun, xã Yên Cường được biết đến là một trong những tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững tại địa phương nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Thông qua Hội Nông dân huyện, anh Sai vay vốn từ Ngân hàng CSXH với số tiền hơn 50 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại và mua trâu, bò về nuôi theo hướng hàng hóa; mỗi năm, gia đình anh có thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng từ bán trâu, bò. Anh Sai cho biết: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn và thuộc diện hộ nghèo của xã; sau khi được vay vốn tín dụng chính sách, tôi đã đầu tư nuôi trâu, bò và gia cầm. Hiện, hiệu quả phát triển kinh tế của gia đình anh Sai đã lan tỏa đến không ít người dân trong thôn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Sai còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trong thôn để cùng thi đua làm giàu; anh còn vận động bà con trả lãi, vốn vay đúng hạn; đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân cũng như góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Anh Sai chia sẻ thêm: “Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới có điều kiện vươn lên thoát nghèo; con cái được học hành đầy đủ. Tôi sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn và giúp mọi người cùng làm kinh tế, góp phần cải thiện đời sống gia đình, cũng như người dân trong thôn”.

Cũng vươn lên từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, chị Nông Thị Tươi, thôn Hạ Sơn 1, xã Lạc Nông tâm sự: Với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn ban đầu; vì nếu vay vốn ở các ngân hàng thương mại khác thì hiệu quả sản xuất không đủ trả tiền lãi. “May, nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Triệu Càn Diết, Trưởng thôn và cũng là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Khun, xã Yên Cường, cho biết: Hiện, thôn có 70/130 hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện; năm 2019, thôn rất vinh dự có hộ anh Phùng Càn Sai được Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH tặng Giấy khen vì “Đã có thành tích thực hiện vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”.

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Mê, tính đến cuối tháng 2.2020, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt 225 tỷ đồng, với 6.043 khách hàng vay vốn ở 13 chương trình cho vay. Trong đó, cho vay hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 98 tỷ đồng với 3.814 hộ vay; chiếm 43,6 % tỷ trọng. Năm 2019, tổng số hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo toàn huyện là 1.070 hộ... Với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện được hình thành và phát triển; giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống cũng như góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Để đồng vốn đến đúng đối tượng cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể và các tổ tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường công tác phối hợp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồnvốn đúng mục đích và hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ có đủ năng lực trình độ để phối hợp triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả; góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202003/bac-me-nhieu-ho-thoat-ngheo-nho-von-vay-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-756606/