Bắc Mê nỗ lực thực hiện đột phá về giao thông

Thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Bắc Mê đã tiến hành rà soát các công trình theo Nghị quyết để đưa vào đầu tư bằng các nguồn vốn Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Nâng cấp tuyến đường xã Yên Cường - Phiêng Luông.

Nâng cấp tuyến đường xã Yên Cường - Phiêng Luông.

Theo đó trong nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện có bước thay đổi với số thôn có mặt đường cứng hóa là 120 thôn, đạt 86%; các tuyến đường liên thôn, nội thôn thực hiện theo tiêu chí xây dựng Nông thôn mới là 65,2 km; đường ngõ xóm đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, cứng hóa 110 km. Xử lý 12 vị trí đường cong khuất tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 34. Triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhiều công trình lớn, mang tính đột phá, cấp bách theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ huyện như: Hoàn thành tiêu chí số 3 về giao thông trong xây dựng Nông thôn mới; phối hợp với các sở, ngành khảo sát cầu cứng qua sông Gâm; hoàn thành sửa chữa tuyến đường Minh Ngọc - Thượng Tân, rải nhựa mặt đường đoạn từ xã Thượng Tân đến thôn Khuổi Trang; nâng cấp tuyến đường Nà Phiêng đi xã Đường Hồng, đường từ trung tâm huyện đi xã Giáp Trung, đường Yên Cường - Phiêng Luông. Huy động nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu cứng bê tông cốt thép từ thôn Nà Pồng đi xóm Mã Lùng, xã Giáp Trung…

Bên cạnh đó, để duy trì đảm bảo sử dụng an toàn hiệu quả các tuyến đường, huyện đã tăng cường công tác quản lý và bảo vệ các công trình giao thông với việc lắp đặt biển báo địa giới hành chính theo địa bàn giáp ranh giữa các xã, thị trấn dọc sông Gâm. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ các công trình giao thông trên địa bàn huyện; đảm bảo hành lang đường bộ ở các tuyến đường đã đầu tư, cải tạo nâng cấp, quyết liệt giải quyết triệt để các vi phạm bảo vệ đường bộ; thực hiện công tác quản lý chặt chẽ về giao thông trên phạm vi toàn huyện và từng xã, thị trấn theo quy định… Qua đó, khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông.

Là địa bàn chỉ cách trung tâm thị trấn 1km, nhưng 180 hộ với 1.140 khẩu của 3 thôn: Giáp Yên, Yên Cư, Lùng Éo thuộc thị trấn Yên Phú vẫn phải đi đường đất và khó khăn trong đi lại khi vào mùa mưa. Anh Bồn Văn Bình, Trưởng thôn Giáp Yên, thị trấn Yên Phú chia sẻ: “Để có thể đi vào thôn chỉ có 1 tuyến đường duy nhất là đi từ thôn Bản Lạn, trước đây khi chưa được làm đường, việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa đường trơn, lầy lội. Dưới sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tuyến đường nối các thôn đã được bê tông hóa, cùng với đó huyện chủ trương sử dụng các nguồn vốn sự nghiệp, vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư nâng cấp 16 km đường, đây không chỉ là niềm vui còn là hy vọng của người dân trong việc phát triển kinh tế…”.

Anh Nguyễn Văn Tới, cán bộ địa chính xã Yên Định chia sẻ: “Là cán bộ tại xã Yên Định nhưng gia đình lại ở thị trấn Yên Phú, cách nơi làm việc 40 cây số. Để đảm bảo hoàn thành công việc và gia đình, mình thường xuyên đi lại trên Quốc lộ 34, tuy nhiên vì đường xấu nên việc đi lại có phần hạn chế và mất nhiều thời gian; nhưng đến nay với việc tu sửa, nâng cấp tuyến đường trong việc xử lý 12 vị trí cong khuất, giải atphan đã giúp cho quãng đường trở nên ngắn và thuận tiện. Qua đó, bản thân cảm thấy yên tâm công tác và thuận lợi hơn trong công việc…”.

Đồng chí Vũ Văn Hường, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện chia sẻ: “Từ những hạn chế như: Việc đầu tư đổ bê tông các tuyến đường từ xã đến trung tâm các thôn, đường nội thôn, liên thôn thực hiện chưa đạt theo lộ trình kế hoạch; chất lượng mặt đường thấp, tỷ lệ cứng hóa còn ít, các công trình qua sông, suối chưa đủ, việc tái lấn chiếm, xây cất trái phép công trình chưa được giải quyết dứt điểm… Nhận thấy những hạn chế đó, huyện đã đưa ra nhiệm vụ trong thời gian tới, cụ thể: Ưu tiên các nguồn kinh phí thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường trục thôn và đường liên thôn đảm bảo cứng hóa mặt đường; đảm bảo các tuyến đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; thực hiện cứng hóa mặt đường đạt 60% trở lên; lựa chọn những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư... Từ đó, hy vọng hoàn thành Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra vào năm 2025”.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202307/bac-me-no-luc-thuc-hien-dot-pha-ve-giao-thong-7b32af1/