Bắc Mê phát triển chăn nuôi bền vững
BHG - Xây dựng chuỗi giá trị để phát triển ngành chăn nuôi bền vững; phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2025 chiếm 36,5% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; nâng cao tầm vóc, chất lượng và giá trị vật nuôi, nâng tổng đàn gia súc lên 28.087 con... Đó là mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ X nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Qua đó, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích cầu ngành chăn nuôi phát triển.
Với những khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của người dân về giá trị chăn nuôi hàng hóa còn ít, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn và liên kết để hình thành chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm; hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi chưa phát huy hiệu quả; phương thức sản xuất chăn nuôi hàng hóa chậm được hình thành; còn ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi… Trong những năm qua, nhằm khắc phục và tạo bước đà cho ngành chăn nuôi phát triển, huyện Bắc Mê đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều giải pháp, như: Hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo mua trâu, bò sinh sản; cải tạo đàn giống, thụ tinh nhân tạo, tập trung chỉ đạo việc tái đàn, tăng đàn; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống đói rét; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; triển khai Đề án nửa triệu con gia súc, phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại; hình thành các gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, gia cầm, cá lồng tại các xã, thị trấn…
Qua đó, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm tương đối ổn định, đàn trâu, bò tăng bình quân 4,2%/năm; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung và các gia trại hoạt động hiệu quả, với tổng đàn trâu hiện có 19.450 con; đàn bò 7.671 con; đàn lợn 44.826 con; đàn dê 24.983 con, qua đó góp phần đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 31,4%. Vận động nhân dân thực hiện phong trào trồng cỏ chăn nuôi trên diện tích đất chưa sử dụng, đất ven đường, diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, nâng tổng diện tích cỏ hiện có trên địa bàn huyện đạt 1.126 ha…
Là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình, chị Sùng Thị Hòa, thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông, chia sẻ: “Trong chuồng gia đình luôn duy trì trên 100 con lợn thịt; 10 con lợn nái, hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Với việc nuôi lợn theo hướng công nghiệp cho thấy hiệu quả cao, được giá hơn so với “nuôi bộ” như trước kia; con lợn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ nhiều, được thương lái chọn mua. Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh, tôi luôn phải tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước về kinh nghiệm; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện, tỉnh tổ chức. Mặt khác, phải chủ động trong việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại”.
Nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đề ra, đồng chí Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có để kích cầu ngành chăn nuôi phát triển, huyện đã triển khai một số giải pháp, như: Thực hiện đồng bộ phương pháp thụ tinh nhân tạo; tập trung trồng mới diện tích cỏ đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho chăn nuôi; áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo, chăn nuôi trâu, bò sinh sản; tập trung chăn nuôi quy mô gia trại, hướng hữu cơ bằng giống lợn địa phương có giá trị kinh tế cao; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện tái đàn sau chu kỳ; phát triển các giống gia cầm địa phương có giá trị kinh tế cao…”.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202302/bac-me-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-aa30cdd/