Bắc Mê quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển chăn nuôi

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết của huyện đề ra, BCH Đảng bộ huyện Bắc Mê đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển chăn nuôi hàng hóa, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là bước ngoặt quan trọng để đem lại giá trị bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Gia trại chăn nuôi lợn của chị Phan Thúy Nga tại xã Lạc Nông. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Gia trại chăn nuôi lợn của chị Phan Thúy Nga tại xã Lạc Nông. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Đảng bộ huyện đã chỉ đạo bằng nhiều giải pháp để phát triển chăn nuôi gia súc, thông qua các cơ chế hỗ trợ như: Trồng cỏ, làm chuồng trại nuôi nhốt, hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo mua trâu bò sinh sản, cải tạo đàn giống, thụ tinh nhân tạo,... qua đó tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm tương đối ổn định. Đàn trâu, bò tăng bình quân 4,2%/năm; hình thành các gia trại chăn nuôi trâu bò, lợn, dê, gia cầm, cá lồng tại các xã, thị trấn. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung và các gia trại hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, một số xã có không ít hộ sở hữu đàn gia súc lên tới vài chục con. Nhiều hộ chăn nuôi có thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.

Ông Đỗ Nguyễn Quyết, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Đến nay, toàn huyện đã trồng được gần 1.000 ha cỏ voi và các phụ phẩm nông nghiệp, được bà con tận dụng làm thức ăn cho gia súc. Để phát triển chăn nuôi gia súc, huyện tập trung vào các vật nuôi trâu, bò, lợn và dê. Trong đó, trâu, bò, lợn được nuôi rộng khắp các xã, thị trấn, dê đang phát triển nhanh, tập trung ở các xã có nhiều núi đá như Yên Định, Minh Ngọc, Yên Phong, Yên Cường... Tổng số gia súc đến thời điểm này: Đàn trâu 18.972 con, bò 7.610 con, dê 19.744 con, lợn 40.804 con, đàn gia cầm 262,81 nghìn con, đàn ngựa 131 con.

Gia trại nuôi bò nhốt của ông Lê Hoài Xuân, thôn Bản Bó, xã Yên Định.

Gia trại nuôi bò nhốt của ông Lê Hoài Xuân, thôn Bản Bó, xã Yên Định.

Chị Phan Thúy Nga, chủ gia trại chăn nuôi lợn tại xã Lạc Nông, cho biết: Gia đình tôi nuôi lợn đã nhiều năm nay. Ban đầu vì không có vốn nên chỉ nuôi một vài con. Nhưng nhờ chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn lợn nái sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đến nay, tổng đàn lợn luôn duy trì từ 50 con đến 60 con, trong đó có 7 con lợn nái. Thu nhập hàng năm từ 200 – 300 triệu đồng. Chia sẻ bí quyết chăn nuôi lợn, chị Nga tiết lộ: “Khâu quan trọng nhất là phòng dịch và vệ sinh chuồng trại. Định kỳ hàng tháng tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Bên cạnh đó, phun thuốc khử trùng đầy đủ giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ”.

Do đặc điển về địa hình, đồi núi cao, không có nơi chăn thả nên người dân các xã, thị trấn đã dần chuyển hướng sang nuôi nhốt. Người dân tận dụng diện tích đất ven suối, ven đường, đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ để nuôi trâu, bò vỗ béo. Ông Lê Hoài Xuân, thôn Bản Bó, xã Yên Định chia sẻ: Trước đây gia đình tôi nuôi ít và thường thả trên đồi. 2 năm trở lại đây tôi đã chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo. Tận dụng ruộng giáp bờ suối trồng cỏ phục vụ cho hơn 20 con bò. Nuôi bò nhốt rất phù hợp vì không phải chăn dắt, thuận lợi về nguồn thức ăn. So với cách nuôi thả rông trước đây thì nuôi nhốt, bò phát triển nhanh, béo tốt hơn, giá cả thị trường cũng ổn định.

Đồng chí Bùi Văn Tuân, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê, cho biết: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển chăn nuôi hàng hóa, giai đoạn 2021-2025, huyện đề ra các giải pháp như: Tập trung trồng mới diện tích cỏ đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho chăn nuôi; thực hiện đồng bộ các giải pháp của Đề án nửa triệu con đại gia súc; bình tuyển chọn lọc trâu, bò giống để đồng bộ phương pháp thụ tinh nhân tạo; áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo, chăn nuôi trâu, bò sinh sản; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn trâu, bò. Duy trì, phát huy các chợ gia súc đang hoạt động. Tạo điều kiện về quỹ đất, cơ chế, nguồn vốn để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển chăn nuôi hàng hóa theo quy mô gia trại, nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp với xu thế tiêu dùng… Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu đến năm 2025 duy trì và phát triển mới 116 gia trại chăn nuôi (gồm 20 gia trại chăn nuôi trâu, bò; 60 gia trại chăn nuôi lợn; 36 gia trại chăn nuôi gia cầm); 2 hợp tác xã đánh bắt nuôi thủy sản. Phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2025 chiếm 36,5% giá trị sản xuất nông nghiệp; ổn định tổng đàn, nâng cao tầm vóc, chất lượng và giá trị vật nuôi.

Tin rằng, với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra và sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nghị quyết về phát triển chăn nuôi hàng hóa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi ở Bắc Mê.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202106/bac-me-quyet-tam-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-ve-phat-trien-chan-nuoi-776886/