Bác như lửa ấm - Nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi chúng ta

Hình như, hai tiếng Bác Hồ cha mẹ dạy tôi ngay từ khi tập nói, tập đi. Bác như mạch nguồn cảm hứng hun đúc năng lượng sống để tôi biết vượt lên suốt đường đời gian nan, thử thách nhưng chứa chan hạnh phúc cho tới tận hôm nay - tuổi ngoài 80!

Tác giả (bên trái) nghe cụ Ma Đình Bài, dân tộc Tày, lão thành cách mạng ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nói về tình dân với Bác và Bác với dân trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Tác giả (bên trái) nghe cụ Ma Đình Bài, dân tộc Tày, lão thành cách mạng ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nói về tình dân với Bác và Bác với dân trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Nhớ. Một chiều tháng 10/1965, dưới cột cờ sân trường cấp II, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tôi được Ban Giám hiệu nhà trường giao nói chuyện về tập kí “Sống như anh” của Trần Đình Vân (Thái Duy) với cán bộ và nhân dân xã.

Tuổi 24 – 25, so với người dự thì tôi quá trẻ, nhưng với tình cảm thiêng liêng, quý trọng ý chí bất tử của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tôi hừng hực truyền lửa cách mạng, sôi sục căm thù Mỹ - Ngụy tới người dự. Truyền ý chí của anh Trỗi gài bom trên cầu Công Lý, Sài Gòn ngày 9/5/1964 nhằm triệt hạ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara thị sát “chiến địa”.

Truyền tình cảm vợ chồng cao đẹp của anh Trỗi, chị Quyên, khi anh bị bắt, chị mới biết anh là chiến sĩ biệt động, khiến chị quý trọng anh biết bao... Truyền khí phách anh hùng, phút giây thiêng liêng trước lúc giặc xử bắn, anh nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, dõng dạc gọi Bác 3 lần: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!... Tất cả giàn giụa nước mắt. Tất cả bật dậy, hô vang theo Chủ tịch xã: - Nhân dân Nghĩa Hưng quyết làm việc bằng 2 để trả thù cho Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi! – Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!

Ngày 2/3/1966, được tin: “Bác Hồ gửi thư khen HTX thôn Thượng, xã Tuân Chính đạt 5 tấn thóc/1ha”, ngày nghỉ, tôi xồng xộc đạp xe về thôn Thượng gặp Chủ nhiệm Lê Thị Lật và bà con xã viên chia sẻ niềm vui, hỏi cách thâm canh đạt năng suất cao và hướng đi tới của thôn...

Rồi viết ngay bút ký “Thôn Thượng đón thư Bác”, gửi phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tạo thêm không khí phấn chấn của nhân dân huyện lúa Vĩnh Tường! Sau đó, Bác còn nhiều lần về thăm Vĩnh Phúc, in đậm tình thương yêu với dân, với Đảng.

Tình cảm của Bác như một thứ tài sản tinh thần vô giá để mãi mãi nhân lên ý chí sống, chiến đấu, lao động và học tập theo đúng lời Người: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta...!" (Lời Bác tại khu Đồi Cao, Vĩnh Yên, ngày 2/3/1963).

Tang Lễ Bác cử hành hồi 9h30, ngày 9/9/1969, tôi có mặt tại thôn Lạc Trung cùng dân khóc thương, cúi đầu tưởng niệm Bác. Ngày ấy, tôi say sưa nghe dân kể về tác phong giản dị, gần gụi, tận tình chỉ bảo nhân dân cách ở ăn, xây giếng, trồng cây; căn dặn cách đối nhân xử thế của cán bộ với xã viên để xây dựng Lạc Trung ngày một vững mạnh...

Dịp ấy, tôi đã viết bút kí: “Tết trồng cây nhớ Bác” đăng trên Báo Vĩnh Phú!... Cứ thế, tình cảm Bác Hồ như lửa ấm nuôi dưỡng tôi suốt cuộc đời làm báo, viết văn... Tôi đam mê nghề đến nỗi, những năm học Đại học Báo chí Khóa I (1969 – 1973), tranh thủ Chủ nhật, tôi tìm đến thôn Kiều Mai, huyện Từ Liêm nghe dân kể về 2 lần bất ngờ đón Bác Hồ đến thăm ngay trên đồng ruộng, lúc thì đang miết mải khơi mương đưa nước sông Nhuệ vào đồng giữa mùa hạn cháy (7/8/1955); khi thì Bác tới giữa mùa gặt bội thu trên đồng sát ven đường 11A (14/6/1961).

Lần nào cũng vậy, Bác đến với dân chỉ với 1 chiếc xe ô tô 4 chỗ ngồi. Xuống xe, Người lẳn ống quần tới gối, phăm phăm lội ruộng tới với bà con, rôm rả chuyện trò thân thiết. Bác khen tinh thần hăng say chống hạn của nhân dân thôn Kiều Mai. Bác nhắc nhở cách thức chăm sóc trâu bò, bởi nó là “đầu cơ nghiệp”! Bác khen Kiều Mai tăng năng suất lúa là thiết thực góp phần cùng miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bác dặn cán bộ phải làm việc hết mình, không quan liêu, hách dịch, không tham ô, lãng phí! Sau đó, những khu đồng 10 tấn; những thửa ruộng mang tên Bác Hồ hình thành khiến Kiều Mai bừng lên sức sống mới. Và, bút kí “Kiều Mai đón Bác” tôi viết đăng trang trọng trên báo Hà Nội mới!...

Sau nữa là những lần tôi về Pác Bó, Cao Bằng, nơi sau mấy mươi năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người về đây vào tháng 1/1941 để gây dựng căn cứ cách mạng. Tôi cũng đôi lần tới lán Nà Nưa, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi Bác ở từ tháng 5 tới cuối tháng 8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân trong cả nước.

Tôi tới với các dân tộc xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, lên lán Bác Hồ trên đồi Khau Tý - nơi Người đưa ra những quyết sách chỉ đạo quân và dân ta đập tan âm mưu giặc Pháp tấn công Việt Bắc trong Chiến dịch Thu – Đông 1947. Đâu đâu cũng thấm đẫm tình Bác với dân, tình dân với Bác!...

Nhớ. Đất nước thống nhất, giang sơn một dải, tôi cùng dòng người viếng Bác tại Đền thờ xã Long Đức, thị xã Trà Vinh. Câu chuyện lập Đền thờ Bác nơi đây theo suốt dặm đời tôi. Ngày được tin Bác Hồ qua đời, nhà nhà ở Long Đức lập ban thờ phụng, cúng cơm Bác suốt năm.

Địa phương bí mật xây Đền thờ Bác trên giồng cát cao thuộc ấp Vĩnh Hội, biệt danh đất thép suốt 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nên Mỹ - Ngụy không từ một hành động dã man nào hòng xóa sạch sự nghiệp cách mạng của Long Đức. Nhân dân góp của, góp công xây Đền thờ Bác ngay dưới tầm đạn giặc.

Họa sĩ Phong Ba (Lưu Tử Phong) được giao vẽ chân dung Bác. Ông kể: Tôi vẽ Bác bằng cả lòng kính yêu của nhân dân, cho dù chưa một lần gặp, mà chỉ thấy Người trên phim và bức hình Bác do người anh ruột chuyển cho. Bức tranh vẽ trên nền vải cao 1,1m, rộng 0,7m lồng trong khung gỗ, treo trang trọng giữa gian thờ, khi Đền khánh thành vào 17h ngày 30 Tết, năm 1971. Đó là ngôi Đền đẹp dưới bóng tre xanh, rất toại lòng dân. Nhưng nó lại là cái đinh chọc vào con mắt an ninh của Mỹ-Ngụy.

Cho nên, suốt 4 năm sau đó, chúng ra sức phá Đền, với cả trăm trận càn, trăm lần quân dân chống trả quyết liệt, trăm lần bức hình Bác được gìn giấu. Đền bị phá, dân lại dựng mới, ảnh Bác lại được treo lên thách đố với kẻ thù tàn độc. Hàng chục chiến sĩ của ta đã quyết tử để bảo vệ Đền. Trên 500 tên giặc đã phải đền tội!...

Họa sĩ Phong Ba hào hứng chia sẻ: - Nay thì Đền thờ Bác được tôn tạo, xây dựng khang trang. Toàn cảnh ngôi Đền mang hình trái tim. Trái tim Long Đức. Trái tim Trà Vinh. Trái tim Hồ Chí Minh ấm áp soi rọi cho dân tộc đi lên!

Đầu năm 1993, chúng tôi thăm căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc – địa danh gắn liền sự nghiệp cách mạng của Bác từ năm 1924 – 1927. Nhà số 13 là trụ sở Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và ra tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội – Dấu son rạng ngời của báo chí cách mạng Việt Nam. Linh thiêng... ánh sáng cách mạng của Người bừng thức trong mỗi chúng tôi: Người luôn lấy con người làm trung tâm suy nghĩ và chủ đích của mọi hành động.

Người “Coi dân là gốc – Cán bộ là công bộc của dân” nên suốt đời cống hiến không mệt mỏi vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người xếp “Tư cách một người cách mệnh” lên trang đầu sách (Đường cách mệnh). Người khuyên Đảng “Phải coi trọng huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc...”.

Xuyên suốt cuộc đời cách mạng của Người là độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đam mê cháy bỏng của Người là: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Học về Bác bao nhiêu cũng là chưa đủ, bởi: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”! -Lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh như thần lực soi rọi cho chúng ta luôn biết sống với đam mê, phụng sự khát vọng phồn vinh của dân tộc, của đất nước thân yêu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh!

Nguyễn Uyển

(Nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73354/bac-nhu-lua-am---nuoi-duong-cuoc-doi-cua-moi-chung-ta.html