Bắc Ninh bảo tồn và phát huy di tích thuyền cổ duy nhất nằm trên dòng sông Dâu

Thuyền cổ khổng lồ ở Bắc Ninh có quy mô cấu trúc và kỹ thuật phức tạp, là duy nhất phát hiện được cho đến nay không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bình diện quốc tế. Phương án giữ nguyên trạng thuyền cổ tại chỗ được đánh giá là giải pháp tối ưu nhất.

Thuyền cổ ở Bắc Ninh được đóng hoàn toàn bằng gỗ, hoàn toàn không sử dụng kim loại trong các bộ phận kết cấu và liên kết thuyền. (Nguồn: Dân Việt)

Thuyền cổ ở Bắc Ninh được đóng hoàn toàn bằng gỗ, hoàn toàn không sử dụng kim loại trong các bộ phận kết cấu và liên kết thuyền. (Nguồn: Dân Việt)

Ngay sau khi phát hiện và khai quật khẩn cấp 2 thuyền cổ tại xứ đồng Cửa Nghè, khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương có những kiến nghị, đề xuất phương án bảo tồn khẩn cấp tiến tới bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị.

Phát hiện di tích nằm trên dòng sông Dâu

Tháng 1/2025, trong quá trình cải tạo đất để nuôi cá, ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1975) đã phát hiện dấu tích của 2 thuyền cổ tại xứ đồng Cửa Nghè, khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ở độ sâu khoảng 2m so với mặt ruộng xung quanh.

Vị trí phát hiện di tích tọa lạc tại tọa độ địa lý 21001'41.39"N độ vĩ Bắc, 106002'23.13"E độ kinh Đông, nằm trên dòng sông Dâu cổ - một nhánh của sông Thiên Đức (sông Đuống) chảy sát phía Tây của Thành Luy Lâu. Vị trí này cách Thành Luy Lâu, Chùa Bút Tháp và Sông Đuống (sông Thiên Đức) lần lượt 1,90km; 3.90km và 4.6km về phía Bắc; cách chùa Dâu 0.8km về phía Đông Bắc; cách sông Dâu (đoạn còn hiện hữu) 0,27km về phía Đông; cách UBND phường Hà Mãn 0,8km về phía Tây. Phía Bắc là khu dân cư khu phố Công Hà; phía Nam là khu dân cư khu phố Đông Cốc.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã mời và phối hợp với chuyên gia của Viện Khảo cổ học về khảo sát, đánh giá bước đầu, cho thấy: Hiện trạng thuyền cổ xuất lộ có hướng dài theo chiều đông - tây, nằm song song nhau theo hướng bắc - nam và cách nhau khoảng 2,3m (tại vị trí chính giữa), phần phía đông xuất lộ thanh gỗ kết nối 2 đầu thuyền.

Đánh giá bước đầu có thể thấy, đây là di tích thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu, là minh chứng xác thực để đánh giá vị trí và vai trò của sông Dâu trong dòng chảy lịch sử với thành Luy Lâu và các thời kỳ lịch sử.

Sau thời gian thực hiện khai quật khẩn cấp, di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích, qua đó có thể nhận diện toàn bộ quy mô, cấu trúc, vật liệu vàkỹ thuật chế tạo của thuyền. Quy mô: dấu tích thuyền gồm 2 khối nằm nguyên vẹn, thuộc phạm vilòng sông Dâu, có hướng vuông góc với dòng chảy của sông (thuyền nằm theo hướng đông-tây, dòng chảy sông Dâu theo hướng bắc-nam) và lệch về phía tây so với dấu tích của sông Dâu còn nhận diện được trên hiện trạng hiện nay.

Hai khối kết cấu này có quy mô tương tự, nằm cách nhau 2,3m (vị trí gần nhất, chính giữa) và được đấu nối với nhau bằng tấm gỗ ở phần đầu nhằm cố định hai khối kết cấu này với nhau, cụ thể: dài từ 16,10m đến 16,25m, rộng từ 1,95m đến 2,20m, khoang lòng sâu nhất là 2,15m.

Cấu trúc: Còn nhận được rất rõ gồm các phần: phần đầu của hai thân thuyền nằm ở phía đông, được đấu nối với nhau bằng tấm ván có dạng hình chữ T, dài 6,45m, khóa chặt vào 2 thân bằng các mộng và chốt gỗ rất kiên cố. Phần đuôi thuyền nằm về phía tây, tại đây, tấm ván bửng có dấu thủng và thanh gỗ chạy xuyên qua, từ cấu trúc này, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây có thể là vị trí lắp bánh lái.

Đáy thuyền có kết cấu độc mộc, tức được chế tác từ một thân cây nguyên, đường kính rộng nhất là 0,95m, như thế có nghĩa, cây gỗ này phải có đường kính trên 1,0m thì mới có thể được dùng để chế tạo đáy thuyền. Thân thuyền được nối từ đáy lên đến mép trên của mạn thuyền bằng các tấm ván, tổng thể còn từ 7 đến 8 lớp ván, kích thước rộng từ 22cm đến 34cm, dày trung bình 4,5cm.

Hai thân thuyền có cấu trúc tương tự nhau, được chia thành 6 khoang, trong đó: Khoang đầu và đuôi thuyền là dài nhất, từ 3,8m đến 4,0m, các khoang còn lại có kích thước tương tự nhau là 2,1m.

Các vách chia khoang có cấu trúc tương tự nhau, là các thanh gỗ được xếp lên tiếp từ đáy lên đến mặt ván mạn, kết nối với nhau bằng các mộng và chốt bằng gỗ. Khoang đầu mà khoang cuối có cấu trúc phức tạp nhất, gồm các thanh đà ngang và dọc nhằm tạo độ vững chãi cho toàn bộ thuyền.

Kỹ thuật: tổng thể, toàn bộ hai thân thuyền được chế tác cùng kỹ thuật, đó là kỹ thuật đục thân cây độc mộc, ghép các dải ván bằng mộng, sau đó các mộng được chốt lại bằng đinh gỗ. Kỹ thuật phức tạp nhất thể hiện ở phần đầu và đuôi thuyền, đó là vị trí nối giữa phần đáy độc mộc và ván bửng được khóa chặt với nhau, cố định bằng 4 trụ gỗ có kích thước tương tự nhau 5cm x 5cm. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thấy được trong kỹ thuật đóng tàu thuyền cổ ở Việt Nam và thế giới.

Vật liệu chế tác: toàn bộ hai thân thuyền đều sử dụng gỗ, hoàn toàn không tìm thấy kim loại. Điều đó cho thấy, việc tuân thủ tuyệt đối về sử dụng vật liệu để chế tác, ngay cả đối với những vị trí phức tạp nhất của thuyền.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị đầu bờ, nhằm đánh giá giá trị bước đầu và đặt ra các giải pháp tiếp theo trong việc bảo vệ, bảo tồn khẩn cấp, nghiên cứu và bảo tồn lâu dài tiến tới phát huy giá trị của di tích. (Nguồn: Thương hiệu và Công luận)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị đầu bờ, nhằm đánh giá giá trị bước đầu và đặt ra các giải pháp tiếp theo trong việc bảo vệ, bảo tồn khẩn cấp, nghiên cứu và bảo tồn lâu dài tiến tới phát huy giá trị của di tích. (Nguồn: Thương hiệu và Công luận)

Di tích thuyền có quy mô, cấu trúc và kỹ thuật phức tạp nhất, là duy nhất

Từ kết quả khai quật khẩn cấp trên hiện trường, ngày 26/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị đầu bờ, nhằm đánh giá giá trị bước đầu và đặt ra các giải pháp tiếp theo trong việc bảo vệ, bảo tồn khẩn cấp, nghiên cứu và bảo tồn lâu dài tiến tới phát huy giá trị của di tích, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Viện Khảo cổ học (các chuyên gia về khảo cổ học dưới nước), Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Sử học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, Hiệp hội Đóng tàu Việt Nam… và các nhà quản lý: Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, đại diện chính quyền thị xã Thuận Thành, phường Hà Mãn và Tổ dân phố Công Hà, nơi phát hiện được di tích.

Đánh giá giá trị bước đầu: Từ quy mô, cấu trúc, kỹ thuật và vật liệu xây dựng cho thấy, đây là loại hình thuyền hai thân, dấu tích phát lộ trên hiện trường chính là hai phần thân còn lại, phần này trong thuật ngữ chuyên ngành gọi là phần chiếm nước, tức là phần kết cấu chìm hoàn toàn dưới nước, có chức năng như là hai phao đỡ toàn bộ kết cấu bên trên. Kết cấu bên trên đã bị mất hoàn toàn, có thể là do bị tháo dời. Đây có thể là thuyền có chức năng để chở hàng hóa, nhưng cũng có thể là thuyền được dùng để du ngoạn trên sông hoặc sông pha biển.

Tính độc đáo, duy nhất: Thuyền được đóng hoàn toàn bằng gỗ, hoàn toàn không sử dụng kim loại trong các bộ phận kết cấu và liên kết thuyền. Căn cứ trên các nguồn tài liệu về thuyền cổ Việt Nam và trên thế giới, các nhà khoa học đánh giá đây là di tích thuyền có quy mô, cấu trúc và kỹ thuật phức tạp nhất, là duy nhất phát hiện được cho đến nay không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bình diện quốc tế. Nhất là ở kết cấu liên kết ở phần đầu (mũi) và đuôi thuyền với phần thân thuyền, cụ thể là ở khối liên kết giữa phần độc mộc ở đáy và phần ván bửng nhô lên ở mũi và đuôi chưa hề gặp ở bất cứ đâu trên thế giới.

Niên đại: Các nhà khoa học đều thống nhất, niên đại cụ thể sẽ chờ đợi kết quả phân tích C14, nhưng căn cứ vào kỹ thuật cho thấy, loại hình thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hóa Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của 2 thân với kết cấu độc mộc (được làm từ một thân cây) và kỹ thuật mộng ghép. Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, có ý kiến cho rằng, thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV (thời Lý và thời Trần), và không thể muộn hơn thế kỷ XV và có ảnh hưởng kỹ thuật từ phía nam lên.

Giữ nguyên trạng tại chỗ di tích thuyền cổ

Trên cơ sở thực trạng xuất lộ di tích, hiện trường khai quật và kiến nghị của Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh thống nhất kiến nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện phương án giữ nguyên trạng tại chỗ di tích thuyền cổ tại hiện trường. Đây là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Tuy nhiên, để thực hiện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đề xuẩt, kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ học và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung công việc sau: Bảo vệ nguyên trạng di tích tại chỗ: Thực hiện bảo tồn khẩn cấp di tích theo phương án tạm thời lấp cát để bảo vệ nguyên trạng di tích sau khi kết thúc công tác nghiên cứu và tư liệu hóa di tích tại hiện trường.

Phương án này được thực hiện một cách khoa học, tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác đã được thực hiện, tiêu biểu nhất là Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, cụ thể gồm các bước: Thực hiện bảo tồn khẩn cấp di tích theo phương án tạm thời lấp cát để bảo vệ nguyên trạng di tích sau khi kết thúc công tác nghiên cứu và tư liệu hóa di tích tại hiện trường.

Phương án này được thực hiện một cách khoa học, tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác đã được thực hiện, tiêu biểu nhất là Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Tiếp tục mở rộng nghiên cứu để nhận diện giá trị của di tích trên tổng thể không gian sông Dâu trong lịch sử. Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về thuyền cổ, lịch sử, văn hóa và các khoa học liên quan nhằm đánh giá giá trị di tích trong không rộng hơn, đồng thời tư vấn về giải pháp bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị của di tích. Tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo, trưng bày lưu động tại các trường học, trung tâm văn hóa trên đại bàn tỉnh để giới thiệu về di tích, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị lịch sử.

Xuất bản sách, tờ rơi, xây dựng website, ứng dụng di động cung cấp thông tin về di tích thuyền cổ. Quy hoạch khu vực di tích thành điểm tham quan hấp dẫn, có cơ sở hạ tầng phục vụ du khách (nhà trưng bày nhỏ, lối đi, biển chỉ dẫn, khu vực nghỉ ngơi).

Xây dựng các tour du lịch văn hóa kết hợp tham quan thuyền cổ với các di tích lịch sử, văn hóa khác trong khu vực thành cổ Luy Lâu, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tổ chức các lễ hội, tái hiện các hoạt động giao thương đường thủy xưa, các hoạt động văn hóa dân gian liên quan để thu hút du khách. Xây dựng các sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn của thuyền cổ Công Hà và Hà Mãn.

Xây dựng phương án bảo quản lâu dài tại chỗ gắn liền với phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch địa phương. Thực hiện việc trưng bày, giới thiệu và diễn giải tại chỗ di tích thuyền cổ bằng hình ảnh và công nghệ 3D, hoặc có thể phục dựng nguyên bản, thu nhỏ tỷ lệ ditích phục vụ trưng bày, tạo cảm giác trực quan đối với khách tham quan.

Tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích (giám sát, hướng dẫn viên du lịch cộng đồng, cung cấp dịch vụ du lịch). Tuyên truyền, vận động người dân địa phương hiểu rõ giá trị của di tích và có ý thức bảo vệ, giữ gìn. Phát triển du lịch bền vững gắn với di tích có thể tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Khoanh vùng bảo vệ di tích và vùng phụ cận, trong đó: Phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở Tài chính, thị xã Thuận Thành và UBND phường Hà Mãn nhằm xác định nguồn gốc đất, xác định ranh giới và quy hoạch, xây dựng phương án đền bù, thu hồi đất theo quy định hiện hành.

Tống Thoan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-ninh-bao-ton-va-phat-huy-di-tich-thuyen-co-duy-nhat-nam-tren-dong-song-dau-313146.html