Bắc Ninh: Bất chấp trời mưa, du khách vẫn nườm nượp về Hội Lim
Ngày thứ hai của Hội Lim 3/2 (13 tháng Giêng) dù trời mưa dày hạt, nhiều hoạt động tạm hoãn nhưng từ sáng sớm nhiều du khách vẫn nườm nượp về trẩy hội.
Cơn mưa nặng hạt từ sớm, nhưng theo quan sát của phóng viên từng đoàn người mặc áo mưa, người che ô vẫn hướng về trung tâm Hội Lim, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều hoạt động của lễ hội phải tạm dừng nhưng hầu hết du khách vẫn rất vui vẻ, hy vọng trời sẽ hửng nắng.
Lễ khai mạc Hội Lim 2023 diễn ra tối qua (2/2). Đây là lễ hội nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Bắc Ninh, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người, quê hương quan họ đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Trong ngày khai hội đã thu hút hàng ngàn người dân tới tham dự.
Ở Hội Lim có sự hội tụ, giao thoa của rất nhiều làng quan họ cổ, nơi tái hiện một không gian văn hóa quan họ nguyên bản nhất, từ hát cửa đình, cửa chùa, hát tại gia đình nghệ nhân, hát tại lán tới hát dưới thuyền…
Với quyết tâm tổ chức lễ hội văn minh, sau thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19, năm nay công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cho không gian lễ hội được Ban tổ chức quan tâm đặc biệt, không còn các hiện tượng đổi tiền lẻ, ăn xin và sử dụng âm thanh loa máy có công suất lớn.
Hội Lim có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú, như hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…
Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim.
Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội.
Hội hát quan họ Bắc Ninh diễn ra ở bất cứ nơi đâu trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ – dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát Trương Chi làm say đắm nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Chỉ cần nơi đó có các liền anh, liền chị.
Liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm. Và cùng cất lên làn điệu dân ca mộc mạc, nhuần nhuyễn, mê đắm bảy tỏ tình yêu trong sáng, sự gắn bó thủy chung.