Bắc Ninh: Cấp bách xử lý, khắc phục các sự cố đê điều, công trình thủy lợi

Bắc Ninh đã huy động gần 100 người cùng trên 500 cọc tre, hàng nghìn bao cát đóng cọc, ngay trong đêm 8/9 và ngày 9/9 dồn cát, cấp bách xử lý mặt đê.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn kiểm tra hồ điều hòa Văn Miếu, thành phố Bắc Ninh ngày 7/9. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn kiểm tra hồ điều hòa Văn Miếu, thành phố Bắc Ninh ngày 7/9. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều dâng cao. Đặc biệt, trên địa bàn ghi nhận nhiều điểm đê xung yếu, mặt đê bị sạt, trượt, sụt, lún… tiềm ẩn nguy hiểm.

Tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt vào cuộc với phương châm “4 tại chỗ” tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị nhanh chóng khắc phục các sự cố.

Cấp bách xử lý những vị trí xung yếu

Ngay khi bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Bắc Ninh, ảnh hưởng mưa lớn đã làm một số điểm đê sông Ngũ Huyện Khê, địa bàn huyện Yên Phong, huyện Tiên Du bị sạt trượt, sụt lún và gẫy mặt đê. Công tác khắc phục sự cố được các địa phương ráo riết triển khai.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, lòng sông Ngũ Huyện Khê đoạn đi qua địa bàn xã tạo thành khúc cua, khi nước sông dâng cao, áp lực nước kết hợp với những đợt sóng đánh vào khiến mặt đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau khi kiểm tra, phát hiện trên địa bàn có các đoạn K22+180 cung trượt dài trên 60m, K22 + 310 cung trượt dài 30m tại xã Long Châu, địa phương đã báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện.

Được sự hướng dẫn của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Yên Phong, với phương châm “4 tại chỗ,” địa phương đã huy động gần 100 người (gồm lực lượng xung kích của xã, dân quân tự vệ, đội bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, thanh niên tình nguyện…), cùng trên 500 cọc tre, hàng nghìn bao cát đóng cọc, ngay trong đêm 8/9 và ngày 9/9 dồn cát, cấp bách xử lý mặt đê.

Chị Nguyễn Thị Thân, thôn Chi Long, xã Long Châu cho biết: Sau khi nhận được thông tin mặt đê qua địa bàn xã bị sụt, lún, trượt mái đê, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

Mặc dù trời mưa bão, tối 8/9, chị cùng nhân dân góp công, góp sức mỗi người một việc, người dồn cát, chẻ tre, đóng cọc, xe cát “gia cố” đoạn đê bị yếu đến 2 giờ sáng. Công việc hoàn tất, khi đó mọi người mới yên tâm về nghỉ.

Trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, vẫn luôn chân tay xe cát, đắp đê, anh Nguyễn Văn Giáp, thôn Chi Long, xã Long Châu chia sẻ: “Tối hôm trước tôi cùng bà con trong vùng đắp đê đến 2 giờ sáng, nhưng hôm nay trên địa bàn vẫn còn đoạn đê bị nứt, lún trong khi nước sông ngày càng dâng cao. 8 giờ sáng, tôi và bà con đã có mặt cùng chính quyền xử lý mặt đê. Trong quá trình làm, tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của các lãnh đạo tỉnh, huyện, các ngành, giúp nhân dân thêm yên tâm, có thêm động lực góp sức, góp của vì mục tiêu mang lại cuộc sống an toàn cho nhân dân.”

Cùng với huyện Yên Phong, trên địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, thuộc bờ tả sông Ngũ Huyện Khê, trên đê cũng xuất hiện nhiều điểm sụt lún, nứt gãy mặt đê.

Ông Nguyễn Huy Ngà, Trưởng phòng Nông nghiệp, huyện Tiên Du cho biết hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện 11 điểm sụt lún, có chỗ khe hở rộng 15-30cm.

Ngay sau khi phát hiện, trong đêm 7/9 đến ngày 8/9, huyện đã xử lý 2 điểm sạt lở đê: một điểm dài 30m và một điểm dài 80m bằng phương pháp đắp đất sét và phủ bạt lên nhằm hạn chế sụt lún, nứt gãy trong khi có các phương án xử lý tiếp theo.

Còn 9 điểm sụt lún khác, địa phương đang triển khai phương án xử lý nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để sự cố đê điều xảy ra, mang lại sự yên tâm, an toàn cho nhân dân.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nhanh các sự cố

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh, trên bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê tại các vị trí K21+280, K21+400, K21+580, K21+700, K21+750, K22+030, K22+570, K22+820, K23+070, K23+920, K24+130 bị sụt lún, nứt gãy mặt đê thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du.

 Đường Huyền Quang, thành phố Bắc Ninh bị nước ngập các phương tiện đi lại khó khăn. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Đường Huyền Quang, thành phố Bắc Ninh bị nước ngập các phương tiện đi lại khó khăn. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Trên bờ tả sông Ngũ Huyện Khê tại vị trí K22+180, K22+310, K23+450 thuộc địa bàn xã Long Châu, huyện Yên Phong bị lún, sụt và sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 25m và đang có dấu hiệu phát triển thêm.

Sự cố sạt trượt mái đê bờ tả sông Ngũ Huyện Khê đoạn gần trạm bơm Bát Đàn với chiều dài cung sạt khoảng 10m; trên tuyến kênh dẫn Long Tửu tại bờ hữu tương ứng K3+600 xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt mái với chiều dài khoảng 30,5m.

Hiện các vị trí gặp sự cố đang được chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi và đề xuất phương án xử lý sau khi bão.

Trực tiếp đi kiểm tra công tác khắc phục các sự cố công trình thủy lợi ngày 9/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi đánh giá cao sự chủ động, tích cực, xử lý các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương.

Nhấn mạnh, thời gian tới, tình trạng sạt lở, sụt lún tại hệ thống công trình thủy lợi Ngũ Huyện Khê có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm nhiều vị trí mới bị sụt lún, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị, huyện Yên Phong và Tiên Du, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý tạm thời một cách nhanh nhất, không để bị động, bất ngờ.

Ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương hướng dẫn biện pháp kỹ thuật, đồng thời rà soát, tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh biện pháp xử lý triệt để toàn bộ các sự cố.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đến kiểm tra công tác tiêu úng tại Trạm bơm Vạn An, thành phố Bắc Ninh (gồm 34 tổ máy, lưu lượng 4.000 m3/tổ máy/giờ, đảm nhiệm tiêu úng cho gần 4.000ha canh tác, dân sinh, đô thị của huyện Yên Phong lưu vực sông Ngũ Huyện Khê).

Hiện nay, để chống úng cho sản xuất, trạm huy động tối đa đầu máy vận hành 24/24 giờ. Ngoài 16 công nhân của Cụm thủy nông Vạn An tham gia ứng trực, Trạm được tăng cường 7 công nhân bảo đảm có thể vận hành thường xuyên, tránh để xảy ra ngập úng đối với sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi động viên các lực lượng tham gia khắc phục, công tác tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp tại Trạm bơm Vạn An, đồng thời yêu cầu Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống tổ chức trực 100% quân số, vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu phục vụ chống úng; thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi và tình hình tiêu úng của các trạm bơm để có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả nhất.

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa to đến rất to, mực nước trên các cống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng nhanh, chiều 9/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phát điện thông báo báo động số 2 trên sông Cầu và báo động số 1 trên sông Thái Bình.

Đặc biệt, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, lũ sông Cầu đang lên rất nhanh có khả năng ở mức trên báo động III.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, đò ngang, đò dọc; các hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông dừng ngay mọi hoạt động trên sông và có biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bac-ninh-cap-bach-xu-ly-khac-phuc-cac-su-co-de-dieu-cong-trinh-thuy-loi-post975339.vnp