Bắc Ninh dừng đấu giá vì kê biên tài sản không đúng luật

Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Bắc Ninh xác nhận, quá trình kê biên 2 tài sản mà báo phản ánh có vấn đề là đúng, cần xem xét lại.

Sai quy trình, tạm hoãn đấu giá tài sản

Như trước đó, GD&TĐ có bài viết: “Kiến nghị làm rõ dấu hiệu bất thường kê biên tài sản thi hành án tại Bắc Ninh” phản ánh về việc Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Ninh có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kê biên các tài sản để tổ chức đấu giá, thi hành án.

Theo đó, dấu hiệu bất thường thể hiện rõ ở việc tài sản 1 và tài sản 2 là 2 tài sản khác nhau, để tại 2 địa điểm khác nhau. Biên bản kê biên 2 tài sản cũng thể hiện: Tài sản 1 tại thửa đất số 6, tờ bản đồ 27, địa chỉ: số 17 Lý Thái Tổ, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tài sản 2 tại Nhà máy chế tạo thiết bị và kết cấu thép Bắc Ninh (Lilama 69-1), Khu công nghiệp Quế Võ, phường Phương Liễu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tài liệu (các biên bản kê biên) thể hiện rõ: Việc kê biên các tài sản (ở các vị trí khác nhau) lại thể hiện cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng thời gian bắt đầu và kết thúc (bắt đầu 08h00 phút ngày 15/3/2024, kết thúc 11h00 phút cùng ngày) với cùng 01 chấp hành viên là ông Phạm Đình Tuấn thực hiện kê biên, thành phần tham dự cùng có ông Nguyễn Văn Hùng là kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Ninh và các thành phần khác.

Liên quan đến sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật này, trao đổi với GD&TĐ, ông Nguyễn Chi Hoan, Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh cho biết, đã nắm được sự việc và có chỉ đạo tới đơn vị liên quan.

“Nội dung sự việc sau khi báo liên hệ, tôi cũng đã cho kiểm tra lại thì đúng là có nội dung đấy. Sau đấy anh cũng đã có chỉ đạo đó là đơn vị rút hồ sơ bán đấu giá về để tổ chức lại”, ông Hoan thông tin.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc chấp hành viên là ông Phạm Đình Tuấn (cán bộ thi hành án thuộc Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Ninh) ký biên bản kê biên 2 loại tài sản ở 2 địa điểm khác nhau với cùng thời gian (bắt đầu và kết thúc). Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Quy trình thực hiện như vậy là không chính xác.

“Quá trình kê biên vẫn đầy đủ các thành phần, tuy nhiên, đồng chí Tuấn không xuất hiện ở đó và giao cho 2 đồng chí chấp hành viên khác. Vì đó, việc này không đảm bảo về tính pháp lý. Khi có báo chí phản ánh, tôi đã cho kiểm tra và thấy có nội dung như vậy. Tôi đã chỉ đạo rút hồ sơ đó về và tổ chức bán đấu giá lại”, Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh thông tin.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chi cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Ninh cũng cho biết, đã nhận được văn bản của Trung tâm đấu giá và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Ninh thống nhất về việc tạm dừng để xem xét cuộc đấu giá.

Về chi tiết sự việc trong quá trình kê biên tài sản, ông Tiến từ chối trả lời với lý do không có quyền phát ngôn với báo chí.

Có "bỏ lọt" tài sản?

Theo đơn kiến nghị, phản ánh của Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm sạch Thảo Nguyên (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang)- doanh nghiệp tham gia mua tài sản đấu giá: Trong hồ sơ đấu giá (Biên bản kê biên và danh mục tài sản trong chứng thư thẩm định giá) về tài sản 1 có thể hiện tài sản là cây xanh, cây cảnh có giá khởi điểm lên tới 711.683.333 đồng.

Nhưng trên thực tế, tại trụ sở công ty Lilama còn có 02 cây sanh lớn, có giá trị rất cao lên đến hàng vài tỷ đồng, không được kê biên.

“Vậy khi chúng tôi mua tài sản thì 02 cây sanh này xử lý như thế nào, có tranh chấp gì ở đây không, tài sản này thuộc về ai?. Từ những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, không đảm bảo quy định và thực tế của chấp hành viên khi kê biên thi hành án nêu trên, nếu công ty chúng tôi tham gia đấu giá và trúng đấu giá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chúng tôi. Việc này có thể dẫn đến khiếu nại kéo dài và không bàn giao được tài sản thi hành án”, đơn nêu.

Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm sạch Thảo Nguyên đề nghị Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bắc Ninh và Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Ninh làm rõ hai nội dung trên. Trả lời công ty bằng văn bản theo đúng quy định.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị có chức năng vào cuộc giám sát, kiểm tra, đánh giá lại toàn hộ hồ sơ thi hành án đối với tài sản đưa ra đấu giá nêu trên. Đặc biệt là 02 biên bản kê biên, xử lý tài sản ngày 15/3/2024 và việc kê biên thiếu tài sản. Trường hợp cần thiết thì phải kê biên bổ sung.

Để đảm bảo đúng quy định, doanh nghiệp tham gia mua tài sản đấu giá cũng đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Ninh xem xét, làm rõ có hay không việc hợp thức hóa biên bản kê biên.

Việc làm này là cần thiết để tránh sai phạm về sau, dẫn tới hậu quả khó khắc phục, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bị thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức tham gia đấu giá, trúng tài sản đấu giá.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bac-ninh-dung-dau-gia-vi-ke-bien-tai-san-khong-dung-luat-post691397.html