Bắc Ninh: Phát hiện xe ô tô vận chuyển nhiều máy biến áp cũ chứa chất thải nguy hại
Một chiếc xe ô tô chở chất thải nguy hại là các máy biến áp cũ, hỏng đã bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh phát hiện trong quá trình vận chuyển. Trước đó, các nhà xưởng chứa hàng trăm máy biến áp cũ đã bị niêm phong.
Cụ thể, vào 13h50 ngày 14/1 chiếc xe tải biển kiểm soát 99C-007.52 đã bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại, kiểm tra ngay bên cạnh UBND xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Bước đầu xác định chất thải được chuyên chở là nhiều máy biến áp cũ, hỏng, không thể sử dụng, được xác định là chất thải công nghiệp nguy hại.
Trước đó một tháng, vào ngày 14/12/2021, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã tiến hành niêm phong nhiều kho, xưởng của một số doanh nghiệp trên địa bàn xã Văn Môn, liên quan đến các máy biến áp cũ, hỏng này.
Ông Đặng Văn Giang, trưởng thôn thôn Quan Độ, xã Văn Môn xác nhận trên địa bàn xã Văn Môn có khoảng 6 đến 8 nhà kho đã bị niêm phong, thuộc sở hữu của một số hộ gia đình, doanh nghiệp địa phương…
Ước lượng tổng số máy biến áp trong các kho là khoảng 200 máy. Đây đều là các máy biến áp đã cũ, hỏng, mất phẩm chất thải ra từ các công ty điện lực, không thể sử dụng được.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho biết, các máy biến áp cũ, hỏng, không thể sử dụng được cần phải xử lý như chất thải công nghiệp nguy hại (CTNH) theo Quy chuẩn 07 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại). Bởi lẽ, các loại dầu máy bên trong hoàn toàn có thể chứa thành phần nguy hại hoặc đặc biệt nguy hại, cho dù chưa thể phân định là chất nào thì vẫn phải xác định cả máy biến áp là CTNH.
Để quản lý các máy biến áp này, đơn vị chủ nguồn thải phải lưu giữ trong các kho chứa CTNH được cấp phép, phân định ngưỡng chất thải theo quy định trước khi chuyển giao cho các đơn vị xử lý CTNH khác.
Các đơn vị được phép đảm nhận xử lý các máy biến áp cũ, hỏng này cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có giấy phép đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp; có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, trong đó có các mã quản lý CTNH: 150106; 150102; 150101; 160113; 190203; 190603.
Vì sao những máy biến áp này, vốn phải được quản lý, lưu giữ kỹ càng tại kho của đơn vị chủ nguồn thải, hoặc tại kho của các doanh nghiệp có chức năng xử lý CTNH lại có thể xuất hiện bên ngoài? Chiếc xe BKS 99C-007.52 là của doanh nghiệp nào, đang chuyển chở các máy biến áp cho đơn vị nào?
Lẽ nào một số doanh nghiệp xử lý CTNH đang có hành vi “tuồn” các máy biến áp cũ, hỏng ra ngoài thị trường để thu lợi bất chính, thay vì thực hiện chức năng xử lý chất thải theo đúng quy định? Liệu đây có phải là một đường dây chuyên thu mua các máy biến áp là CTNH?
Trao đổi với phóng viên, một đại diện Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết hiện nguồn gốc các máy biến áp này đang trong giai đoạn xác minh, làm rõ.