Bắc Ninh: Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
'Đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong quy hoạch tỉnh, đưa Bắc Ninh thuộc nhóm đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế' là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng tại Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam diễn ra vào chiều 16/5 do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành khoa học và công nghệ cả nước, những năm qua, ngành khoa học và công nghệ Bắc Ninh đã nỗ lực sáng tạo, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, phát triển nhanh, hiệu quả các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… Qua đó, phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Dung thông tin, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ không ngừng được đổi mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; tiềm lực khoa học và công nghệ ngày càng được nâng cao. Các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ và hoạt động sáng kiến khoa học được ngành ưu tiên đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó 32 sản phẩm đặc sản, chủ lực thuộc sở hữu chung của cộng đồng.
Tại buổi lễ, 11 sản phẩm bao gồm: Cà rốt, mỳ gạo Tử Nê (huyện Lương Tài); tỏi 1 nhánh (huyện Gia Bình); dưa gang muối (thị xã Quế Võ); rượu nếp cái hoa vàng Đồng Nguyên, đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê, Hương Mạc, Tam Sơn (thành phố Từ Sơn); đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh); chuối Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) đã được Sở Khoa học và Công nghệ trao Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành khoa học và công nghệ đạt được. Sự phát triển của ngành đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, ngành, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cùng các doanh nghiệp tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các chương trình, đề án khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong quy hoạch tỉnh, đưa Bắc Ninh thuộc nhóm đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới, là thành phố xanh, thông minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cũng yêu cầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành khoa học và công nghệ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... để có lộ trình chuyển đổi phù hợp thích ứng với tình hình mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, 32 cá nhân vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” của Bộ Khoa học và Công nghệ; nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.