Bắc Ninh: 'Quả ngọt' từ chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo - Bài 3: Hướng đến nền giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế

Trong hành trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, Bắc Ninh đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hướng tới xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho học sinh đạt giải Olympic và Khoa học Kỹ thuật Quốc tế năm 2023: (Ảnh: Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh).

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho học sinh đạt giải Olympic và Khoa học Kỹ thuật Quốc tế năm 2023: (Ảnh: Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh).

Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô trường lớp

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 29 và Nghị quyết 12 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại địa phương đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo ông, giáo dục Bắc Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu giáo dục. “Các chỉ số tiếp cận và phổ cập giáo dục của tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, đặc biệt là những thành tích nổi bật trong cả giáo dục đại trà lẫn giáo dục mũi nhọn,” ông Sơn khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, Bắc Ninh đã và đang đối mặt với không ít thách thức trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29. Là một tỉnh công nghiệp phát triển nhanh, Bắc Ninh thu hút lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước, khiến dân số cơ học gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là sự tập trung của công nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các lớp học mầm non, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giảng dạy và học tập, nhất là ở các khu vực trung tâm và các khu công nghiệp.

Thêm vào đó, số lượng biên chế giáo viên hạn chế do chính sách tinh giản biên chế, trong khi cơ sở vật chất không thể theo kịp tốc độ gia tăng dân số. Việc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29, với nội dung rộng và liên quan đến nhiều cấp ngành, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, cùng với khó khăn trong đầu tư công và chính sách đất đai đã khiến việc đảm bảo nguồn lực cho giáo dục gặp nhiều trở ngại.

Ngoài ra, ông Sơn cũng chỉ ra rằng công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương còn chưa thật sự hiệu quả ở một số mặt, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp trong phát triển giáo dục. Đồng thời, sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ và thường xuyên.

Dù vậy, nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự đồng thuận của nhân dân và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành, Bắc Ninh đã vượt qua khó khăn và hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết 29 và Nghị quyết 12.

Với những thành tựu đạt được, tỉnh quyết tâm duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định vị thế trong nhóm dẫn đầu cả nước, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, toàn diện, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới đến năm 2025 và định hướng đến 2030.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 đối với giáo dục mầm non là huy động 55% trẻ ra nhà trẻ và 99,9% trẻ mẫu giáo ra lớp. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng sẽ giảm đáng kể, và 100% giáo viên đạt chuẩn, với 80% giáo viên đạt trên chuẩn.

Đối với cấp tiểu học, đến năm 2030, 100% học sinh sẽ học hai buổi mỗi ngày, 40% học sinh được học bán trú, và 100% học sinh lớp 1, 2 sẽ được học ngoại ngữ và làm quen với tin học.

Ở cấp THCS và THPT, Bắc Ninh đặt mục tiêu 100% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với ít nhất 80% học sinh giỏi cấp quốc gia và có học sinh đạt giải quốc tế mỗi năm. Đến năm 2030, 45% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đối với giáo dục thường xuyên, tỉnh sẽ duy trì kết quả xóa mù chữ và tăng tỷ lệ học sinh học nghề tại các trung tâm GDTX lên 25% vào năm 2030.

Học sinh trường THPT Hàn Thuyên tham gia trải nghiệm tại Trường Đại Học Anh Quốc Việt Nam- BUV - British University Vietnam. (Ảnh: Trường THPT Hàn Thuyên).

Học sinh trường THPT Hàn Thuyên tham gia trải nghiệm tại Trường Đại Học Anh Quốc Việt Nam- BUV - British University Vietnam. (Ảnh: Trường THPT Hàn Thuyên).

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện từ công tác quản lý đến phương pháp giảng dạy, thi cử và đánh giá, nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học. Hệ thống giáo dục sẽ được hoàn thiện theo hướng mở, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục, kết hợp với sự dân chủ và thống nhất trong quản lý.

Bắc Ninh cũng sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường THPT Chuyên và các trường trọng điểm cấp huyện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỉnh sẽ đầu tư đầy đủ phòng học chức năng, thí nghiệm, thực hành và thư viện điện tử theo quy định của Bộ GD&ĐT, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong trường học và cộng đồng. Việc mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại và sử dụng hiệu quả sẽ được đẩy mạnh để nâng cao chất lượng giáo dục. Tỉnh cũng sẽ điều chỉnh học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và nghề nghiệp để phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh rằng, để thực hiện thành công Nghị quyết 29, cần sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, giáo viên, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong đầu tư và phát triển giáo dục. “Bắc Ninh sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chúng tôi cũng sẽ huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên và xây dựng một xã hội học tập,” ông Sơn khẳng định.

Triển khai mạnh mẽ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tích cực đổi mới phương pháp, lấy học sinh làm trung tâm của quá trình giáo dục. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh).

Ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tích cực đổi mới phương pháp, lấy học sinh làm trung tâm của quá trình giáo dục. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh).

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Sơn, cho biết tỉnh sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Năm 2024 là cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp sau 5 năm thực hiện chương trình đổi mới này, đồng thời là thời điểm để đánh giá toàn diện những kết quả đạt được. Đây cũng là năm học đầu tiên (năm học 2024-2025), chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng đồng bộ cho tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.

Nhằm đảm bảo việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương để tham mưu, quy hoạch trường lớp và chuẩn bị các điều kiện giảng dạy phù hợp với nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hoàn thành lộ trình chuẩn hóa giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở theo các tiêu chuẩn của HĐND tỉnh. Công tác rà soát, đánh giá toàn diện đã được triển khai nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra suôn sẻ và thành công.

Song song với đó, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai chương trình dạy học Ngoại ngữ 2 tự chọn và hướng tới mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại các cơ sở giáo dục đủ điều kiện. Điều này nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, chuẩn bị cho các yêu cầu hội nhập quốc tế trong tương lai. Các phong trào thi đua như "Dạy tốt, Học tốt, Quản lý tốt" và "Xây dựng trường học Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn" sẽ được đẩy mạnh, tạo động lực cho toàn ngành giáo dục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Những nỗ lực này sẽ góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng đến mục tiêu xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Bài 1: Khơi dậy khát vọng đổi mới và phát triển giáo dục toàn tỉnh

Bài 2: Tiên phong đổi mới, bứt phá vươn lên top đầu ngành giáo dục

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bac-ninh-qua-ngot-tu-chinh-sach-ve-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-bai-3-huong-den-nen-giao-duc-tien-tien-hoi-nhap-quoc-te-post525883.html