Bắc Ninh quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản
Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng nông sản, tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến nay, địa phương đã có 18 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng nông sản, tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến nay, địa phương đã có 18 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Nâng cao giá trị nông sản
Cây cà rốt được người dân các xã ven sông huyện Gia Bình trồng từ năm 2010. Ðến nay, toàn bộ diện tích cà rốt của huyện đã lên tới 500 ha. Trên diện tích bãi bồi rộng lớn với chất đất cát pha thịt màu mỡ, mỗi năm người dân có thể trồng từ hai đến ba vụ. Cà rốt ở Gia Bình năng suất ổn định, chất lượng đồng đều.
Anh Nguyễn Văn Kiên, xã Cao Ðức, chia sẻ, mỗi sào cà rốt cho thu hơn 10 triệu đồng một vụ, trừ tiền giống, vật tư, nhân công chăm sóc, chúng tôi lãi năm đến bảy triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Tuy nhiên, không phải vụ nào cũng "xuôi chèo mát mái". Có những năm đầu ra phập phù, cà rốt ế, chúng tôi phải đổ cho vật nuôi ăn. Ðơn cử như vụ đông xuân năm 2018 - 2019, giá cà rốt xuống thấp ở mức 3.000 đồng/kg, nhiều hộ sản xuất bị lỗ nặng.
Sản lượng cà rốt mỗi vụ ở Gia Bình tương đối lớn, trong khi đó nông sản này chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ một diện tích nhỏ được bao tiêu, phần lớn còn lại phụ thuộc vào tư thương. Chính vì thế, tình trạng được mùa mất giá thường xảy ra. Băn khoăn lớn nhất của người trồng cà rốt là sự ổn định về đầu ra, giá bán. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, năm 2018, tỉnh Bắc Ninh đã chọn cà rốt Gia Bình để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Công Trình, khi được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, người trồng cà rốt nói riêng và các loại nông sản nói chung sẽ phải tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất và quy cách đóng gói, bảo quản; sản phẩm còn được gắn nhãn mác, bao bì, mã số, mã vạch, chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ. Như vậy, cà rốt Gia Bình sẽ có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, giúp tham gia tốt hơn vào khâu cung ứng tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, từ đó tăng giá trị nông sản. Sau nhiều nỗ lực, cuối tháng 6 vừa qua, cà rốt Gia Bình đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Với "tờ giấy thông hành" này, hứa hẹn cà rốt Gia Bình sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Thực tế đã chứng minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ được biết đến rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, từ đó giá bán có xu hướng tăng. Ðơn cử như sản phẩm gà Hồ, sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, giá bán tăng ba đến bốn lần. Các sản phẩm của đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng, gỗ Ðồng Kỵ... giá bán đều tăng trung bình từ 10 đến 15%. Sản phẩm được bảo hộ thương hiệu còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu, như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, nay đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu.
Ngoài những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tỉnh Bắc Ninh còn có khoảng 70 làng nghề. Mặc dù sản phẩm được đánh giá là phong phú nhưng nhiều mặt hàng nông nghiệp, làng nghề của Bắc Ninh vẫn sản xuất thủ công, ít thay đổi về bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, chưa có biện pháp để quản lý và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thực trạng trên đặt ra cho Bắc Ninh nhiệm vụ phải xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Năm 2018, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Ðề án).
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Minh Tân khẳng định, từ việc triển khai Ðề án và nhiều nguồn hỗ trợ khác, đến nay Bắc Ninh đã có 18 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ như: nem Bùi - Ninh Xá, đậu Trà Lâm - Trí Quả, tương Ðình Tổ (Thuận Thành); bánh tẻ Chờ, bánh đa nem Yên Phụ, nếp cái hoa vàng Yên Phụ (Yên Phong); gạo nếp nhung Tam Sơn, bánh Phu thê Ðình Bảng (thị xã Từ Sơn); gạo tẻ thơm Quế Võ (Quế Võ); mây tre đan Xuân Hội (Tiên Du); tre trúc Xuân Lai, đồng Ðại Bái, cà rốt (Gia Bình)… Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản có vai trò rất quan trọng để phát triển nông nghiệp. Thương hiệu, nhãn hiệu góp phần khẳng định chất lượng, quyền sở hữu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ðồng thời, duy trì, mở rộng, phát triển thị trường trong nước và ngoài nước cho các doanh nghiệp. Ðây là công cụ pháp lý chống lại những biểu hiện gian lận thương mại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp còn giúp nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ…
Mở rộng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP
Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh hỗ trợ 100% chi phí xây dựng và phát hành một số ấn phẩm về xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng "Kỷ yếu doanh nghiệp Bắc Ninh" để quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, tuyên truyền, đào tạo về xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ 70% chi phí tư vấn thiết kế, tra cứu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 60.000.000 đồng/nhãn hiệu đăng ký bảo hộ trong nước, 140.000.000 đồng/nhãn hiệu đăng ký bảo hộ nước ngoài. Tỉnh cũng hỗ trợ một lần 100% kinh phí xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, còn hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Gần đây nhất là Quyết định 134/QÐ-UBND năm 2018 về đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020, trong đó tập trung vào việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh. Nhờ vào sự hỗ trợ kịp từ những chính sách, đề án, người dân và doanh nghiệp đã có điều kiện phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.
Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Ninh hiện nay vẫn gặp khó khăn. Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, một số người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm, cho nên họ chưa mặn mà và hạn chế hợp tác. Việc hoàn thiện hồ sơ của người dân để hoàn thành thủ tục đăng ký mã số, mã vạch còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất phải được đăng ký sản xuất, kinh doanh thì mới được cấp mã số, mã vạch, nhưng khi đăng ký thì hằng năm các cơ sở này sẽ phải nộp thuế theo quy định. Chính vì điều này, nhiều cơ sở trốn tránh nghĩa vụ bằng cách không đăng ký kinh doanh. Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, sẽ xây dựng, phát triển và nâng cao vai trò chủ đạo của các tổ chức kinh tế tập thể hoặc doanh nghiệp địa phương để làm cầu nối gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành cho biết, xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình. Ðể đạt được hiệu quả cao, hằng năm cần có các đánh giá lại việc quản lý và phát triển thương hiệu tại từng thời điểm, trên cơ sở đó có kế hoạch hỗ trợ trong việc cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ. Ðồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của địa phương. Quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề gắn liền với quy hoạch phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sạch, bền vững đáp ứng nhu cầu của các làng nghề, và gắn liền với các chương trình phát triển du lịch tại địa phương.
Cần tổ chức triển khai hiệu quả các gian hàng trưng bày giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại các địa điểm du lịch tâm linh, các nhà hàng nổi tiếng và các khách sạn từ ba sao trở lên trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và ban hành những chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm này sau khi Ðề án kết thúc. Ðẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… như vậy sẽ làm tăng sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững cho các sản phẩm.