Bắc Ninh: Sở Giáo dục ra đề kiểm tra cuối kỳ để ngăn chặn 'đánh bóng' học bạ
Ngoại trừ trường chuyên tự chủ kiểm tra đánh giá, các trường còn lại của tỉnh Bắc Ninh sử dụng chung đề kiểm tra cuối, giữa kỳ do Sở Giáo dục xây dựng.
Hiện đâu đó vẫn còn tình trạng giáo viên “nương tay” chấm điểm quá trình, điểm thường xuyên cho học trò nên việc kiểm tra chung cuối kỳ thì sẽ là đòn bẩy, biện pháp ngăn chặn "đánh bóng" học bạ
Nhiều ý kiến cho rằng, việc các trường trung học phổ thông kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ sử dụng đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương giải quyết được bài toán tránh "đánh bóng" học bạ, kịp thời có điều chỉnh để cải thiện chất lượng giáo dục. Song, có địa phương, đề kiểm tra do Sở xây dựng chỉ áp dụng đối với các trường không chuyên, còn trường chuyên được chủ động ra đề, chấm điểm do tính chất đặc thù.
Bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Danh Quý – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ, nhà trường kiểm tra cuối kỳ và giữa kỳ sử dụng đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng.
"Nhiều năm qua, cũng tương tự như các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn toàn tỉnh, nhà trường sử dụng đề kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ chung được Sở ra.
Dựa vào kết quả kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ, bộ phận chuyên môn của trường sẽ phân tích thực trạng, đánh giá chất lượng học tập không chỉ của học sinh trong trường mà còn của các trường khác trong khu vực. Từ đó, trường có căn cứ để điều chỉnh chiến lược dạy và học của thầy trò, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục đào tạo”, Hiệu trưởng Nguyễn Danh Quý cho biết.
Trong đánh giá học sinh bậc trung học phổ thông, giáo viên được chủ động chấm điểm quá trình học tập của học trò. Do đó, theo nhận xét của một số giáo viên, một trong những thuận lợi của kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ sử dụng chung đề, tiến hành chung đợt là hạn chế tình trạng giáo viên ra đề, chấm điểm theo chủ nghĩa “duy ý chí”, quý học sinh nào thì cho điểm học sinh đó cao.
Ủng hộ tinh thần chỉ đạo của ngành giáo dục tỉnh về việc áp dụng đề kiểm tra đánh giá cuối kỳ, giữa kỳ chung cho các trường, cô giáo Hằng – giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Hơn chục năm qua, các kỳ kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ và giữa học kỳ của trường đều sử dụng một đề kiểm tra chung của Sở.
Ưu điểm lớn nhất là tạo sự thống nhất ma trận, đánh giá khách quan kết quả học tập của học trò trên địa bàn toàn tỉnh (trừ trường chuyên). Nếu để tự giáo viên ra đề và chấm điểm thì chỉ phù hợp với đối tượng học sinh trong phạm vi của trường. Khi học sinh học tốt, giáo viên ra đề có mức độ phục vụ đánh giá năng lực đối tượng này thì lại thiệt thòi cho học sinh học chưa tốt (vì đề khó hơn).
Do đó, với đề kiểm tra Tiếng Anh hiện nay của Sở là phù hợp, đánh giá đồng bộ mặt bằng chung chất lượng học tập của học sinh trong trường và các trường. Sử dụng đề kiểm tra chung, học sinh học tốt thì kết quả tốt, học sinh học kém thì điểm số cũng không cao nên ít có chuyện chênh lệch quá nhiều giữa điểm quá trình với điểm cuối kỳ.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Như Học – Trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh trong một khoảng thời gian nhất định, nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh chủ trương chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, giữa kỳ sử dụng đề chung do Sở xây dựng cho các trường, trừ trường chuyên.
"Mục đích của kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ chung đề là để đánh giá mặt bằng chất lượng dạy và học trong một học kỳ. Đồng thời, kiểm tra hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo của từng trường đạt được đến đâu.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Như Học, Sở thành lập ban ra đề (trực thuộc Sở) để chịu trách nhiệm xây dựng đề kiểm tra đánh giá cuối, giữa kỳ. Sau đó, Sở cung cấp đề này cho các trường để tổ chức kiểm tra, yêu cầu ghép phách bài làm của học sinh. Sở cũng có bộ phận thu thập, xử lý số liệu, thống kê đối sánh kết quả với cuối năm trước, hoặc cùng kỳ năm ngoái.
Sở đánh chất lượng học sinh toàn tỉnh, nhà trường đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn chung ma trận chứ không phải dựa theo bất kỳ tiêu chuẩn nào do giáo viên các môn hay lãnh đạo trường xây dựng.
Hiện đâu đó vẫn còn tình trạng giáo viên “nương tay” chấm điểm quá trình, điểm thường xuyên cho học trò nên việc kiểm tra chung cuối kỳ thì sẽ là đòn bẩy, biện pháp ngăn chặn "đánh bóng" học bạ. Sở cung cấp đề kiểm tra cuối kỳ cho các trường, còn việc tổ chức kiểm tra là trách nhiệm của trường dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ cán bộ, chuyên viên Sở".
Theo Thạc sĩ Nguyễn Như Học, điểm kiểm tra thường xuyên không như trước nên khó đánh giá, so sánh với điểm cuối kỳ. Ví dụ, môn Toán hiện có 3 điểm kiểm tra 1 tiết, trước đây, học sinh cần làm 3 bài kiểm tra là hoàn thành 3 đầu điểm. Hiện, có thể kiểm tra 10 lần để lấy 3 đầu điểm cao nhất trong số các lần kiểm tra để làm điểm thường xuyên.
Trường hợp điểm kiểm tra cuối kỳ có dấu hiện bất thường thì Sở sẽ có chỉ đạo thanh kiểm tra. Cụ thể, khi đánh giá chất lượng môn Toán của trường A có 90% học sinh đạt điểm 9 – 9,5 trở lên thì là bất thường, Sở sẽ có kế hoạch chỉ đạo rà soát lại.
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Như Học, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Vì là môn học bắt buộc giống như Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, nên Sở xây dựng đề kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ môn Lịch sử dùng chung cho các trường.
Theo đó, việc xây dựng đề kiểm tra môn Lịch sử không quá khó khăn, bởi chỉ cần bám sát khung chương trình thì có thể ra đề ứng với tỷ lệ 30% trắc nghiệm và 70% tự luận, đảm bảo yêu cầu đánh giá năng lực, phẩm chất học trò.
Thạc sĩ Nguyễn Như Học cho biết thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh thống nhất khung chương trình học cho toàn tỉnh để thuận lợi kiểm tra cuối, giữa kỳ. Không tổ chức các kỳ thi khảo sát chất lượng mà giao nhiệm vụ cho các cụm trường. Đặc biệt, Sở chỉ ra đề kiểm tra chung cho các trường không chuyên, còn trường chuyên sẽ tự ra đề, chủ động đánh giá học sinh của trường.