Bắc Ninh tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số
Thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị giao ban công tác QLNN về báo chí, tuyên truyền quý III/2023 và cung cấp số liệu, kết quả triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 9/10/2023, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bắc Ninh đã thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Báo cáo tại Hội nghị, Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở TT&TT đã phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện quán triệt Nghị quyết thông qua các hình thức: Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, tọa đàm về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Phát thanh cấp huyện; chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công về chuyển đổi số trên các trang mạng xã hội… nhằm triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng thời, với công tác tuyên truyền là việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết, sau một năm ban hành Nghị quyết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 23 văn bản (không bao gồm hình thức công văn), trong đó BCH Đảng bộ tỉnh ban hành 01 Nghị Quyết, 01 Kết luận, UBND tỉnh ban hành 11 Quyết định, 01 Chỉ thị , 09 Kế hoạch.
Kết quả, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã từng bước được đầu tư hoàn thiện; trong đó, đã đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh với hệ thống máy chủ phiến, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ tập trung, hệ thống kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hạn chế tối đa việc mất an toàn thông tin, dữ liệu tỉnh, đảm bảo dễ dàng quản lý, khai thác sử dụng 24/7.
Triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 2, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng từ Trung ương với tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm yêu cầu dùng riêng, an ninh, an toàn dữ liệu và dự phòng cao. Mạng viễn thông với hệ thống tổng đài kỹ thuật số hiện đại, tuyến truyền dẫn giữa các huyện, thành phố và các xã, phường thị trấn trong tỉnh đã được cáp quang hóa, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mạng ngoại vi đã từng bước được quy hoạch xây dựng ngầm hóa trên phạm vi toàn tỉnh. Triển khai Đề án chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mạng Internet của tỉnh sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (trong năm 2022 đã chuyển đổi IPv6 Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng dịch vụ công trực tuyến).
Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đến nay đã kết nối với: Dịch vụ Bưu chính công ích - VNPost, Cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách, CSDL Bảo hiểm xã hội, CSDL Dân cư quốc gia, CSDL đăng ký doanh nghiệp, Danh mục dùng chung, Hệ thống hỗ trợ thanh toán DVC trực tuyến toàn quốc (PayGOV), Văn bản quy phạm pháp luật, Hộ tịch điện tử…. Đặc biệt, Bắc Ninh là một trong năm tỉnh đầu tiên được Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm kết nối thành công CSDLQG về dân cư; tích hợp, kết nối cung cấp phương thức thanh toán nghĩa vụ tài chính với các thủ tục hành chính về đất đai tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai...
Từ đó giúp giảm bớt giấy tờ, cải cách hành chính phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc đội ngũ công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh, hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được xây dựng và dùng chung cho tất cả các Sở, ban, ngành có TTHC, 8/8 UBND cấp huyện, 126/126 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, được nâng cấp hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai tập trung, dùng chung cho cả 3 cấp chính quyền đã phát huy hiệu quả cao trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh: Tỷ lệ trung bình cấp tỉnh đạt 94,6%; cấp huyện đạt 95,5%, cấp xã đạt 97,5% (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP đề ra giai đoạn 2021-2025).
Tỉnh Bắc Ninh cũng phát triển, mở rộng ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” thành kênh tương tác tổng hợp giữa người dân và các cơ quan nhà nước, đã triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị với 1326 cán bộ xử lý. Tỷ lệ tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị trên thiết bị di động của toàn tỉnh đến ngày 13/9 đạt 90%.