Bắc Ninh từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp

Cùng với sự bứt phá mạnh mẽ về thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, với ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương ưu tiên đầu tư, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại.

Nhiều trang trại tại Bắc Ninh được theo dõi và chăm sóc tự động.

Nhiều trang trại tại Bắc Ninh được theo dõi và chăm sóc tự động.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ba tỷ đồng/dự án đổi mới thiết bị, cải tiến, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong nông nghiệp; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc...

Hiệu quả bước đầu

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh đã đưa vào ứng dụng trên diện rộng thiết bị bay không người lái, tự động hóa cả ba khâu trong sản xuất lúa, gồm: Xuống giống, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Việc này giúp người nông dân giảm sức lao động, bảo đảm khung thời vụ và đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ thuật.

Ông Bùi Văn Mai ở xã Hán Quảng (thị xã Quế Võ) cho biết: Thay vì mất nhiều giờ lội ruộng, việc sử dụng thiết bị bay không người lái chỉ cần từ 15-20 phút đã hoàn thành gieo sạ và phun thuốc diệt cỏ cho 6 ha ruộng. Người dân chỉ cần đứng trên bờ thao tác từ xa, không phải tiếp xúc với hóa chất cho nên an toàn về sức khỏe.

Mặt khác, chi phí thuê máy cũng không cao, chỉ từ 20-30 nghìn đồng/sào. Qua bốn vụ lúa sử dụng thiết bị bay không người lái, ngoài những ưu việt nêu trên, ứng dụng này còn giúp người nông dân tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, từ đó, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp,...

Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong (xã Minh Tân, huyện Lương Tài) là một điển hình. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng internet vạn vật và công nghệ điện toán đám mây, toàn bộ quy trình công việc như bón phân, tưới tiêu, chăm sóc rau, quả tại 5 ha nhà màng, nhà kính, nhà lưới đều được tự động hóa.

Đồng thời, căn cứ vào các thông tin được cập nhật chính xác, chủ trang trại có thể điều khiển từ xa các công đoạn thông qua máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh. Theo Giám đốc công ty Nguyễn Thị Trâm, ứng dụng này đã giúp năng suất cây trồng tại trang trại tăng so với trước; trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường 15 đến 20 tấn dưa leo, cà chua, rau các loại, doanh thu đạt khoảng hai tỷ đồng.

Mặt khác, việc số hóa không chỉ tạo đột phá từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mà còn giúp công ty tạo dựng thương hiệu cho nông sản, và ký hợp đồng ổn định với các đối tác tại Hà Nội, Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận.

Việc số hóa còn được áp dụng rộng rãi vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực mới, cần sự đầu tư bài bản và đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ cho nên số lượng các mô hình ứng dụng công nghệ cao và hiệu quả từ chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Bắc Ninh vẫn chưa nhiều.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng giá trị nông nghiệp công nghệ cao chiếm 40% tổng giá trị toàn ngành, Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp khác nữa. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần thay đổi nhận thức của hội viên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Công Thao cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các kỹ thuật cao trong trồng rau an toàn, nấm, chăn nuôi, thủy sản...

Cuối tháng 5/2023 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội thảo: "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp". Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp 27 tỉnh, thành phố và đại diện nông dân tiêu biểu trong khu vực.

Hội thảo đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số là: Đa dạng hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn kỹ năng cho nông dân; tăng cường ứng dụng các giải pháp GIS; xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thiết kế mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất; hỗ trợ, chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số; thiết kế phần mềm quản trị dữ liệu về nông nghiệp,…

Bên cạnh đó, hội thảo cũng làm rõ những khó khăn hiện nay như việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn mới, cho nên nhận thức của hầu hết doanh nghiệp và người nông dân còn hạn chế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp,...

Dẫn chứng về khó khăn này, ông Nguyễn Xuân Thám ở xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) cho biết: Gia đình ông có 1 ha đất sản xuất nông nghiệp cách khu dân cư 300 m, nhưng khi làm việc với nhà cung cấp thì họ từ chối kéo mạng, cho nên không thể áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất được.

Từ những vấn đề nêu trên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịch cho biết: Trung tâm sẽ cụ thể hóa các ý kiến đóng góp bằng hành động và báo cáo Bộ để sớm thực hiện, bởi chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhằm gia tăng năng suất, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, cũng như giai đoạn tiếp theo.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bac-ninh-tung-buoc-hien-dai-hoa-nganh-nong-nghiep-post768702.html