Bắc Quang phát triển bền vững cây cam Sành

Cam Sành được xác định là cây hàng hóa 'mũi nhọn' trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp và là một trong những sản phẩm chủ lực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Bắc Quang. Trong những năm gần đây, diện tích, năng suất, sản lượng cam Sành của huyện không ngừng tăng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác, quản lý, quy hoạch cũng như xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành và giải quyết hiệu quả những nút thắt.

Người dân xã Tiên Kiều chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành.

Người dân xã Tiên Kiều chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành.

Hiện nay, 22/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang đều sản xuất cam Sành, với tổng diện tích lên đến 4.589,6 ha (chiếm 76% tổng diện tích cam toàn huyện). Trong đó, 3.480,2 ha cam đang cho thu hoạch, 804,7 ha cam thời kỳ kiến thiết cơ bản và 304,7 ha cam già cỗi (có khả năng cho thu hoạch nhưng năng suất thấp). Dự kiến năng suất cam Sành của huyện Bắc Quang niên vụ này ước đạt 12 tấn/ha… Trong những năm gần đây, cây cam Sành phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Do đó, để cây cam không phá vỡ quy hoạch và nằm trong định hướng phát triển chung của huyện; UBND huyện đã kịp thời ban hành Đề án Quy hoạch cây có múi trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch phát triển sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh huyện Bắc Quang giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, xác định vùng sản xuất cam tập trung tại 8 xã có nhiều lợi thế về phát triển cây ăn quả có múi của huyện, gồm: Tân Thành, Đông Thành, Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Đồng Tâm, Tiên Kiều; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn rà soát quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đối với cây cam Sành theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững. Đồng thời, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích thâm canh theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, kéo dài chu kỳ kinh tế.

Đi liền với công tác quy hoạch, huyện còn tiến hành tổ chức lại sản xuất cho nhân dân thông qua Hội Trồng cam huyện Bắc Quang và Chi hội Trồng cam tại các xã, thị trấn với trên 3.700 hộ trồng cam tham gia. Trong đó, có 1.258 hội viên tham gia vào 28 Tổ sản xuất cam theo quy trình VietGAP của huyện; 16 hội viên tham gia vào HTX Sản xuất cam sạch xã Vĩnh Phúc... Từ thực tiễn hoạt động, các hội, chi hội trồng cam từng bước phát huy vai trò trong việc liên kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cam cũng như nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Trước, trong mỗi vụ thu hoạch cam Sành; cấp ủy, chính quyền huyện đều đặc biệt chú trọng đến hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như: Tổ chức Tuần lễ cam Sành huyện Bắc Quang, Hội thi sản phẩm cam Sành; đưa sản phẩm cam Sành tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại tại tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội; hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày và bán sản phẩm cam dọc trên tuyến Quốc lộ 2, đoạn qua địa bàn huyện; liên hệ giới thiệu sản phẩm cam Sành tới các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước… Từ đó, đưa sản phẩm cam Sành tới gần hơn với người tiêu dùng và được người sử dụng đánh giá cao về chất lượng. Không những vậy, sản phẩm cam Sành VietGAP của huyện còn có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ dán trực tiếp lên sản phẩm, đảm bảo nguồn gốc, an toàn cho người sử dụng.

Mặc dù đã giành được những kết quả trên, nhưng theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang, thực tế sản xuất cam Sành vẫn còn tồn tại không ít “nút thắt” cần tháo gỡ. Đơn cử như: Diện tích cam phát triển mạnh, đi cùng với đó là tình hình sâu bệnh diễn ra thường xuyên, phức tạp gây ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người dân. Các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, xuất hiện hàng kém chất lượng, khiến nhà vườn gặp rủi ro trong quá trình sản xuất… Những năm gần đây, giá trị sản phẩm cam Sành trên thị trường có phần ổn định; tuy nhiên, giá bán sản phẩm, nhất là sản phẩm cam Sành VietGAP còn thấp, chưa đáp ứng được đúng giá trị thực của sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm cam Sành chủ yếu bán trực tiếp cho khách hàng và thương lái; còn những thị trường lớn như siêu thị, công ty thì chưa thể ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, do giá siêu thị đưa ra thấp; trong khi yêu cầu cao về chất lượng, số lượng. Cùng với đó, một số bộ phận người dân chưa chú trọng dán tem, nhãn sản phẩm cam Sành khi bán ra thị trường...

Thực tế trên cho thấy, để cam Sành xứng tầm là cây trồng chủ lực của huyện Bắc Quang nói riêng và của tỉnh nói chung trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; rất cần sự chung sức, quyết liệt của các cấp, ngành trong việc tìm giải pháp đồng bộ. Ví như việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trồng cam trong việc tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành; có cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất bao tiêu sản phẩm cam Sành Hà Giang để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa người sản xuất và đơn vị thu mua – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên cho biết.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201911/bac-quang-phat-trien-ben-vung-cay-cam-sanh-752804/