Bắc Quang thu hút vốn đầu tư để phát triển

BHG - Huyện Bắc Quang có 36 doanh nghiệp đang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã, đang tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội địa phương.

Công ty chè Hùng An đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt máy móc sao chè tiên tiến xuất khẩu.

Công ty chè Hùng An đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt máy móc sao chè tiên tiến xuất khẩu.

Tôi trở lại Cụm công nghiệp Nam Quang vào cuối quý 1.2022, các anh lãnh đạo Nhà máy sản xuất ván ép cao cấp xuất khẩu sang Mỹ thuộc Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng, cho biết: Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 nhưng nhà máy vẫn duy trì ổn định sản xuất. Mới đây, nhà máy tiếp tục mở rộng đầu tư giai đoạn 2 để sản xuất sản phẩm cao cấp; vốn đầu tư cả 2 giai đoạn ước gần 100 tỷ đồng. Số lao động trực tiếp tại nhà máy hiện nay gần 300 công nhân, 100% là người lao động địa phương. Thu nhập bình quân quý 1 đạt từ 6,5 – 8,5 triệu đồng/người/tháng; người lao động có tay nghề kỹ thuật cao đạt từ 15 – 25 triệu đồng/người/tháng. Hiện, nguồn nguyên liệu tại chỗ cung cấp để sản xuất vẫn rất dồi dào, nhà máy cũng đã nhận được đơn đặt hàng số lượng đủ lớn để người lao động có đủ việc làm trong cả năm.

Tập đoàn Xuân Thiện tập trung máy móc, thiết bị đẩy nhanh thi công thủy điện sông Lô 5.

Tập đoàn Xuân Thiện tập trung máy móc, thiết bị đẩy nhanh thi công thủy điện sông Lô 5.

Khảo sát thực tiễn tại địa bàn Bắc Quang cho thấy, từ khi Nhà máy ván ép của Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng đi vào hoạt động thì giá mua, bán gỗ nguyên liệu đã tăng lên. Hiện nay, giá bán gỗ rừng trồng giữ mức ổn định có lợi cho người dân trồng rừng kinh tế. Giá bán gỗ keo của bà con nông dân Bắc Quang tăng lên từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/m3, tăng khoảng 500 - 550 ngàn đồng so với trước khi có nhà máy. Bắc Quang, mỗi năm trồng khoảng 1.500 – 2.200 ha rừng. Công suất sản xuất của nhà máy là 12.000 m3 ván xuất khẩu/năm cần rất nhiều gỗ; người dân trồng rừng ở Bắc Quang đang có thu nhập bình quân từ 70 – 90 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất. Kèm theo giá bán gỗ tăng, người trồng rừng ở Bắc Quang còn được hưởng lợi thêm từ tiền chi trả cho môi trường rừng trồng trên 2.900 ha, thu về nhiều tỷ đồng/năm. Nhìn trên diện rộng, tại Cụm công nghiệp Nam Quang hiện nay đang có 6 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động phổ thông địa phương.

Nông dân thị trấn Hùng An liên kết trồng Nhân trần với Công ty Dược Bông Sen Vàng.

Nông dân thị trấn Hùng An liên kết trồng Nhân trần với Công ty Dược Bông Sen Vàng.

Nổi bật trong hút vốn đầu tư khai thác tiềm năng tại Bắc Quang thời gian qua là lĩnh vực thủy điện. Nhà máy thủy điện sông Lô 4 được đầu tư trên 750 tỷ đồng. Mỗi năm nhà máy đóng góp vào ngân sách Nhà nước tại địa phương trên 10 tỷ đồng; tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động ngay trong xã Tân Thành và hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại địa phương hàng trăm triệu đồng. Đối với Tập đoàn Xuân Thiện, cuối năm 2020 cũng đã hoàn thành công trình thủy điện sông Lô 6 có tổng vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng. Nhà máy đã đóng góp vào lưới điện Quốc gia hàng trăm tỷ kWh/năm phục vụ cho phát triển đất nước; mỗi năm, nhà máy thủy điện sông Lô 6 đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 70 tỷ đồng. Năm nay, Tập đoàn Xuân Thiện tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện sông Lô 5, giai đoạn 1. Dự kiến, công trình nhà máy thủy điện sông Lô 5 sẽ hoàn thành phát điện lên lưới điện Quốc gia vào năm 2023. Đến năm 2023, chỉ riêng đóng góp từ các nhà máy thủy điện vào ngân sách Nhà nước tại Bắc Quang hàng trăm tỷ đồng/năm; tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người lao động địa phương, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững. Mới đây, Tập đoàn Xuân Thiện đã chi trước 6/30 tỷ đồng cam kết cả gói cho UBND huyện Bắc Quang xây dựng trường học chất lượng cao Lương Thế Vinh.

Không khí lao động sản xuất tại Nhà máy ván ép xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng (Cụm công nghiệp Nam Quang).

Không khí lao động sản xuất tại Nhà máy ván ép xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng (Cụm công nghiệp Nam Quang).

Đánh giá hiệu quả kinh tế cho thấy, Bắc Quang trở thành huyện thu hút vốn đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp rất thành công. Thực tiễn ghi nhận, Nhà máy chế biến Dược Bông Sen Vàng đầu tư xây dựng tại thị trấn Hùng An là điểm sáng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thu Hương cho biết: Nhà máy đã tạo ra nghề mới cho nông dân Bắc Quang liên kết trồng cây thảo dược. Trong đó, nhà máy cung cấp giống, vật tư phân bón và hướng dẫn kỹ thuật; người nông dân liên kết chỉ lo việc trồng, chăm bón và thu hái. Toàn bộ quy trình liên kết được hợp tác song phương: Nhà máy và nhà nông đều có quyền và lợi ích. Để tạo ra lợi nhuận cho cả hai bên, Nhà máy Dược Bông Sen Vàng đã liên kết với hàng trăm hộ trồng hàng trăm ha cây thảo dược tạo thành vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, các loại thảo dược được trồng nhiều là Quế chi, Nhân trần, Gừng gió, Nghệ vàng... Giá thu mua thảo dược được nhà máy mua theo giá thị trường từng thời điểm, đảm bảo có lãi cho nông dân. Bí thư Đảng ủy xã Hùng An, Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Liên kết với Nhà máy Dược Bông Sen Vàng đã mở ra một hướng đi mới, cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho nhà nông.

Nhắc đến Bắc Quang thu hút vốn để phát triển không thể không nói đến hút vốn vào chế biến chè. Bắc Quang hiện có trên 5.000 ha chè đang cho thu hoạch. Sản lượng chè búp tươi hàng năm ước đạt gần 30 ngàn tấn. Hiện đang có 4 Công ty và hàng chục cơ sở thu mua chế biến chè hoạt động với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Dẫn đầu công nghệ chế biễn chè chất lượng cao đạt chất lượng sản phẩm OCOP Công ty chè Hùng An, Hùng Cường, Hoàng Long, Hoàng Hải... Các doanh nghiệp chè đã thu hút hàng trăm lao động có việc làm ổn định, thu nhập đều. Nhờ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu đã đẩy giá thu mua chè búp tươi vụ Xuân năm nay tăng cao đạt bình quân từ 18 – 26 ngàn đồng/kg đối với chè Shan tuyết vùng cao. Giám đốc Công ty chè Hùng An, Nguyễn Văn Hà cho biết: Công ty đã đầu tư mới hàng trăm tỷ đồng để lắp đặt công nghệ làm chè mới tân tiến. Bình quân, mỗi năm doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng ngàn tấn chè thành phẩm. Các sản phẩm chè nổi tiếng ở Bắc Quang như: Chè ướp nhài Hùng An, chè đặc sản Hoàng Long, chè Bạch trà HTX chè Kim Chỉnh Cổng trời 1, chè hữu cơ Vinh Sính... đã trở thành những thương hiệu chất lượng xuyên biên giới. Nhờ đó, Bắc Quang đã tạo ra công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân ở 23 xã, thị trấn.

Nhận thức được hiệu quả từ thu hút vốn, UBND huyện Bắc Quang đang tiếp tục “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Trân trọng và có cơ chế, ưu đãi thu hút rõ ràng, Bắc Quang đang hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp về với huyện cửa ngõ. Sự thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Bắc Quang cũng sẽ là thành quả, niềm vui của huyện nhà.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202205/bac-quang-thu-hut-von-dau-tu-de-phat-trien-f2e7359/