Bác Sáu Nam với quân - dân Tây Nam bộ
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh (người dân Tây Nam Bộ thường gọi bác Sáu Nam) có hai giai đoạn đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 9 (1969-1973 và 1976-1978).
Những cống hiến to lớn của đồng chí để lại cho Quân-Dân ĐBSCL nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về giữ vững quan điểm, nguyên tắc của Đảng; sâu sát, linh hoạt, nhạy bén trong nắm bắt tình hình để chủ động, sáng tạo vận dụng đường lối quân sự của Đảng phù hợp thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy LLVT làm nên những chiến thắng có ý nghĩa quyết định trên chiến trường.
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta, địch tập trung lực lượng nhằm giữ miền Nam Việt Nam, ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Dương, giảm sự dính líu và tránh sự thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thực hiện âm mưu đó, chúng tiến hành chiến lược quân sự “Quét và giữ” để lấn đất, giành dân, đẩy lùi LLVT, cơ sở và phong trào cách mạng của quần chúng nhằm làm ta suy yếu.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, quân đoàn 4 ngụy tăng cường phản kích, tổ chức phòng thủ, giữ chặt các khu vực mới chiếm lại. Chúng tập trung toàn bộ lực lượng dưới sự yểm trợ tối đa của không quân và hải quân tranh chấp vùng ven quyết liệt với ta, nhất là ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre. Đồng thời, khôi phục và giữ chặt tuyến lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) từ Long An đến Cà Mau; tuyến đường thủy kinh Chợ Gạo và sông Măng Thít. Đặc biệt, tổ chức nhiều cuộc hành quân đánh vào vùng Bảy Núi (An Giang), Vùng 4 Kiến Tường, Vùng 20 tháng 7 (Mỹ Tho), Giồng Trôm (Bến Tre),... Bên cạnh đó, địch tập trung lực lượng quy mô lớn mở cuộc hành quân “thăm dò U Minh”,... nhưng đều bị quân-dân các địa phương đánh trả quyết liệt, gây nhiều thiệt hại, phá tan ý đồ xâm lấn của chúng. Tiêu biểu cho ý chí kiên cường bám trụ trong bom đạn ác liệt là cuộc chiến đấu suốt 128 ngày đêm của quân-dân tỉnh An Giang tại đồi Tức Dụp vào cuối năm 1968 đầu năm 1969.
Tuy có nhiều cố gắng phối hợp với chiến trường chung giành thắng lợi trên mặt trận chính trị, ngoại giao, nhưng do địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt, đẩy lực lượng ta ra khỏi thành phố, thị xã. Tại nhiều địa phương, cán bộ, LLVT cơ sở không bám được địa bàn; một bộ phận quần chúng nhân dân chạy ra vùng địch kiểm soát... Lúc bấy giờ, ở Khu 9 địch đã bình định, lấn chiếm gần hết vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng Nam Cà Mau. Quân và dân miền Tây Nam Bộ bước vào thời kỳ khó khăn nhất, tưởng chừng như không vượt qua được.
Trước tình hình này, tháng 7-1969 Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Anh về làm Tư lệnh Quân khu 9. Sau đó, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng được điều về làm Bí thư Khu ủy-Chính ủy Quân khu. Ngay sau khi về đến địa bàn đảm nhiệm, đồng chí Lê Đức Anh cùng các đồng chí trong Thường vụ Khu ủy nghiêm túc đánh giá lại tình hình địch-ta từ sau Tết Mậu Thân; phân tích những khó khăn, thuận lợi cơ bản của chiến trường để lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm: Khó khăn nghiệt ngã mấy cũng phải cố gắng để làm chuyển biến tình hình, xứng đáng với lòng tin của lãnh đạo cấp trên cũng như của Quân và Dân ĐBSCL.
Với quyết tâm đó, chỉ thời gian ngắn, trên cơ sở thống nhất chủ trương trong Thường vụ Khu ủy, đồng chí Lê Đức Anh với vai trò Tư lệnh Quân khu đã đưa ra những quyết định quan trọng về mặt quân sự: Bám trụ chiến đấu theo hình thức phòng ngự linh hoạt, kết hợp phản công đánh vào một số cứ điểm. Phòng ngự bám trụ tiêu hao địch, giữ vững trận địa. Địch chốt ở đâu thì vây lại, đánh liên tục bằng nhiều hình thức, làm cho địch phải co lại... Nắm vững thời cơ kiên quyết phản công địch. Xây dựng và phát triển lực lượng, nhất là củng cố, xây dựng bộ đội chủ lực, mới tạo được điều kiện để phản công và mới phá được thế tiến công của địch.
Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, các đơn vị được phân công bám trụ từng địa bàn cụ thể: Trung đoàn 1 ở Long Mỹ, Trung đoàn 3 trên địa bàn then chốt giữa hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của Quân khu cũng có kế hoạch bám trụ, đánh địch. Lúc đó, Khu ủy có ý kiến đề nghị Quân khu nên di chuyển cơ quan về Nam Cà Mau để có điều kiện ổn định làm việc, nhưng với vai trò là người chỉ huy cao nhất, với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Lê Đức Anh khẳng định nếu lui về Cà Mau, địch lấn tới, theo đó sẽ mất đất, mất dân. Đồng chí Tư lệnh hạ quyết tâm bám trụ ở U Minh Thượng, đồng thời triển khai Sở Chỉ huy tiền phương của Quân khu ở Long Mỹ (Hậu Giang) và thường trực chỉ huy tại đây. Chính sự quyết tâm và hình ảnh tiên phong ấy của đồng chí Lê Đức Anh, quân-dân ĐBSCL tích cực tiến công, phản công bằng những phương thức thích hợp, phá rã thế kìm kẹp của địch, phát triển được thế làm chủ của nhân dân. Điều quan trọng nhất là các đảng bộ địa phương bám được trong dân, có trên 1.000 ấp trước đây bị địch kìm kẹp hoàn toàn, đã xây dựng được cơ sở Đảng. Từ đó, ta vượt qua được thử thách ác liệt của thời kỳ khó khăn nhất (1969-1971), tạo ra những điều kiện thuận lợi cùng toàn Miền thực hiện cuộc tiến công chiến lược trong năm 1972, đánh bại bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy.
Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1-1973), nhiều chiến trường ngừng bắn nên bị địch lấn chiếm gặp nhiều khó khăn. Tại Quân khu 9, bản lĩnh người chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh càng bộc lộ rõ nét khi đồng chí đánh giá đúng bản chất kẻ thù, sớm xác định hành động phá hoại Hiệp định của địch, kịp thời đề xuất với Thường vụ Khu ủy, chủ trương: Bố trí 4 trung đoàn chủ lực của Quân khu ở địa bàn trọng điểm. Đồng thời, chỉ thị cho các LLVT: Đứng vững trên địa bàn Quân khu quy định, nếu địch bung ra lấn chiếm thì kiên quyết trừng trị; giữ vững quyền làm chủ hiện có, vận động binh sĩ địch bỏ ngũ; sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt các đơn vị địch xâm phạm vùng giải phóng...
Từ chủ trương đúng đắn, kịp thời của Thường vụ Khu ủy Khu 9, trong đó có vai trò của đồng chí Lê Đức Anh-Tư lệnh Quân khu, ta đã đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch theo kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện, giữ được địa bàn then chốt, tiếp tục củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Sự nhạy bén, sáng tạo của đồng chí Lê Đức Anh cùng tập thể Thường vụ Khu ủy Khu 9 chẳng những “không đi chệch đường lối của Đảng”, mà còn giúp Trung ương thấy được thực tế tình hình, kịp thời đưa ra Nghị quyết 21 (8-1973) với chủ trương, sách lược đúng đắn trong điều kiện Mỹ-ngụy vi phạm Hiệp định Paris là: Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày Nam-Bắc sum họp một nhà, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân khu 9 được thành lập trên cơ sở Quân khu 8 và Quân khu 9. Năm 1976, đồng chí Lê Đức Anh lại được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9. Tuy miền Tây Nam bộ thời kỳ này còn nhiều khó khăn, nhưng với vai trò Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo thành công những công việc lớn, như: Sắp xếp lại tổ chức LLVT Quân khu, vừa tham gia xây dựng kinh tế, vừa giữ được lực lượng tại ngũ. Chủ trương thực hiện việc đào tạo nguồn cán bộ cơ sở, làm nền tảng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp sau này. Nhất là khi ta có chủ trương cho ra quân với số lượng nhiều sau khi hòa bình, nhiều địa phương cho chiến sĩ xuất ngũ, thì riêng ở Quân khu 9 lúc bấy giờ đồng chí đã giữ lại 3 trung đoàn và chọn trung đoàn mạnh của Quân khu 8 và Quân khu 9 (cũ) thành lập Sư đoàn 330. Do đó, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra thì quân khu có sẵn lực lượng chủ động đánh địch.
Nhiều trận đánh mang đậm dấu ấn chỉ đạo của đồng chí, tiêu biểu như: Trận vận động tiến công tại ấp Bắc Đay, xã Nhơn Hội, huyện Phú Châu của Trung đoàn 2, Sư đoàn Bộ binh 330 ngày 15-1-1978. Đây là trận tiến công địch phòng ngự trong công sự đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận tiến công tiêu diệt địch lấn chiếm biên giới nước ta ở khu vực núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên của Sư đoàn Bộ binh 330 (được tăng cường), ngày 19-1-1978, trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô cấp sư đoàn tăng cường. Hay như trận chiến đấu phòng ngự tại Bắc Hà Tiên của Tiểu đoàn 207 tỉnh Kiên Giang, ngày 24-4-1978. Dù địch đông hơn ta nhiều lần, nhưng ta đã giành được thắng lợi; giữ vững trận địa, khôi phục lại toàn bộ khu vực bị địch chiếm đóng. Trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm chiến đấu cho LLVT địa phương trong tác chiến phòng ngự bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Mỗi dấu ấn trong quá trình hoạt động của Đại tướng Lê Đức Anh minh chứng cho tư thế của người lính luôn ở thế chủ động, tiến công cả trong suy nghĩ và hành động; để lại trong lòng quân và dân miền Tây Nam Bộ hình ảnh một người chỉ huy quân sự với bản lĩnh chính trị vững vàng; gắn bó với dân, với cán bộ, chiến sĩ; khả năng tổng hợp phân tích tình hình sắc sảo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, kịp thời đề xuất những chủ trương sáng tạo, đúng đắn, đưa phong trào cách mạng của quân và dân nơi đây vượt qua khó khăn, phát triển có tính bước ngoặt.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh-vị tướng tài ba, thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân miền Tây Nam Bộ, trong đó có LLVT Quân khu 9 học tập noi theo. Tấm gương Đại tướng Lê Đức Anh như những lời nhắc nhở với đội ngũ cán bộ. Đó là: Người lãnh đạo, chỉ huy phải luôn xây dựng mối quan hệ đoàn kết thật sự trên cơ sở xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân để làm gương cho cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không mơ hồ ảo tưởng; nắm vững quan điểm, nguyên tắc của Đảng nhưng phải linh hoạt, nhạy bén, sâu sát, tư duy theo kịp sự phát triển nhanh chóng và phức tạp của tình hình; quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vận dụng đường lối quân sự của Đảng phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh cụ thể; chủ động nắm bắt thời cơ để lãnh đạo, chỉ đạo LLVT Quân khu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trên địa bàn chiến lược Tây Nam trong thời kỳ mới.
Trung tướng NGUYỄN XUÂN DẮT, Tư lệnh Quân khu 9