Bác sĩ bất lực vì bệnh nhân 'thích theo ý mình', đánh mất cơ hội sống
Đang được bác sĩ điều trị, người phụ nữ bất ngờ bỏ dở về uống thuốc nam và thực phẩm chức năng. Khi quay trở lại bệnh viện, cô không còn cơ hội sống.
Sau khi báo VietNamNet đăng tải tuyến bài Cảnh giác với "bác sĩ" TikTok, nhiều bác sĩ đã phản ánh thêm những câu chuyện đau lòng vì tin "bác sĩ" mạng xã hội.
Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) chia sẻ câu chuyện về bệnh nhân H.T.X (59 tuổi, trú tại TP. Việt Trì, Phú Thọ). Người này được chẩn đoán ung thư vú phải giai đoạn III. Sau 5 lần hóa trị, bệnh nhân đáp ứng rất tốt, bác sĩ đã lên kế hoạch phẫu thuật - hướng tới khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, người phụ nữ này bất ngờ bỏ dở điều trị, quay về nhà, uống thuốc nam như lá đu đủ, nước măng tây và dùng thực phẩm chức năng theo lời “khuyên” từ TikTok và các trang mạng xã hội khác.
Ba tháng sau, bệnh nhân quay lại bệnh viện, khối u đã xâm lấn toàn bộ ngực, lan sang vú đối bên, di căn đến phổi, không còn cơ hội điều trị triệt căn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên 70% bệnh nhân ung thư vú giai đoạn III có thể được cứu sống nếu điều trị đúng phác đồ. Nghiên cứu từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ ghi nhận, hóa trị giúp thu nhỏ khối u, tăng khả năng phẫu thuật triệt để và giảm nguy cơ tái phát.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lại đặt niềm tin vào những lời tư vấn chữa ung thư vú bằng lá đu đủ, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ câu chuyện tiếp nhận bệnh nhân 39 tuổi (quê Bắc Giang) tới khám với 1 bên ngực sưng to kèm đau đớn.
Trước đó, người bệnh được chẩn đoán có một khối u tuyến giáp nhưng không điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Người phụ nữ này lướt TikTok và nghe lời khuyên uống lá đu đủ có thể tiêu u nên kiên trì áp dụng trong thời gian dài. Khi bệnh nhân quay vào viện, u tuyến giáp chèn ép và thêm ung thư vú giai đoạn muộn.

Bác sĩ Ngô Văn Tỵ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K (Hà Nội), lá đu đủ đã được nghiên cứu về ảnh hưởng và tác dụng với bệnh lý. Phân tích trong ống nghiệm với dịch chiết xuất từ lá đu đủ khô cho thấy tác dụng ức chế tăng trưởng của một số tế bào khối u, điều chỉnh các gene liên quan đến chống khối u. Tuy nhiên, việc tách chiết xuất lá đu đủ cần nhiều công đoạn đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ.
Ngoài ra, lá đu đủ mang lại lợi ích nhưng cũng có thể gây tương tác giữa thuốc - thảo mộc. Người bệnh không nên tự ý sử dụng lá đu đủ tự nhiên cho việc điều trị bệnh lý mà không có sự tư vấn từ bác sĩ.
Nói về các ca bệnh trên, bác sĩ Ngô Văn Tỵ cho biết, trong điều trị có thể đề xuất phác đồ, nêu rõ rủi ro, nhưng không thể ép buộc người bệnh và họ có quyền từ chối. Bác sĩ cố gắng thuyết phục họ nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không đổi ý, quyết nghe theo các thông tin quảng cáo có nội dung thu hút, hình ảnh bắt mắt trên mạng. Trong khi đó, thông tin khoa học chính xác đưa ra với bệnh nhân thường khô khan và không thể hứa hẹn khỏi bệnh nhanh.
"Một số bệnh nhân trở lại trong tình trạng quá nặng, không thể điều trị được kéo theo sự tốn kém thời gian và tiền bạc", bác sĩ Tỵ nói.