Bác sĩ BV Chợ Rẫy hướng dẫn 5 cách phòng ngộ độc botulinum cần biết

Việt Nam liên tiếp ghi nhận các chùm ca ngộ độc botulinum sau khi ăn pate chay, chả lụa, cá ủ chua... Botulinum là một trong những chất độc tự nhiên mạnh nhất từng được biết đến và gây ra tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Vậy có cách nào cách phòng ngừa ngộ độc botulinum? Chia sẻ với báo chí, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại Mỹ, mỗi năm vẫn ghi nhận từ 150 đến 300 ca ngộ độc botulinum. Do đó có thể nói, ngộ độc botulinum không phải là hiếm.

Tại Việt Nam, trước đây chúng ta ít có khả năng để chẩn đoán được ngộ độc botulinum. Năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên chẩn đoán được chùm ca bệnh botulinum sau khi ăn pate chay. Để có kết quả này, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Vệ sinh Dịch tễ TP.HCM cùng các đơn vị khác phải làm xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc botulinum. Từ đây cũng là hồi chuông báo động để các bác sĩ trên toàn quốc biết loại bệnh này.

"Theo tôi, không phải là giờ ngộ độc botulinum nhiều hơn trước mà là khả năng chẩn đoán của chúng ta ở giai đoạn trước hạn chế. Thứ hai là hiện nay các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ hiện đại hơn, do vậy chúng ta chẩn đoán dễ hơn. Tôi cho rằng, số lượng bệnh nhân ngộ độc botulinum hàng năm có thể không đột biến tăng mà do khả năng chẩn đoán y tế của chúng ta tốt hơn trước, từ đấy chúng ta phát hiện ra nhiều ca ngộ độc botulinum hơn", TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.

Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo BS. Lê Quốc Hùng, đã có nhiều chuyên gia đưa ra các cảnh báo phòng ngừa ngộ độc botulinum. Nguyên nhân là do một loại vi khuẩn botulinum gây ra, vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì con vi khuẩn này mới hoạt động được. Trong môi trường bình thường, vi khuẩn này không sống được do có lượng oxy cao.

Tuy nhiên, trong môi trường bình thường không sống được thì tự động vi khuẩn sẽ có khả năng thích nghi và tạo ra các bào tử. Bào tử là những vi khuẩn tạo ra vỏ bọc cho nó ngủ đông, không hoạt động và không chết. Con vi khuẩn này có không khí thì sẽ không phát triển được, chúng ta có hít phải cũng không nhiễm bệnh gì nhưng khi đặt nó trong môi trường không có không khí thì nó sẽ tái hoạt trở lại.

Việc tái hoạt trở lại sẽ phá vỏ bao bào tử của nó để sản sinh ra chất độc gọi là chất độc botolinum. Như vậy cho thấy rằng, khả năng chúng ta nhiễm loại vi khuẩn này ở khắp mọi nơi mọi lúc, đó chính là môi trường không có oxy.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, tất cả các thức ăn chúng ta chế biến, đóng gói, đóng hộp vào bao kín không có oxy thì vi khuẩn botulinum có khả năng phát triển. Việc chúng ta lấy bao ni lông bọc kín lại cũng là một hình thái tạo điều kiện không có không khí, không có oxy để vi khuẩn botulinum phát triển. Như vậy, chúng ta luôn có nguy cơ nhiễm độc loại vi khuẩn này.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về vấn đề ngộ độc botulinum.

Việc phòng ngừa ngộ độc botulinum đòi hỏi tuân thủ một số biện pháp vệ sinh và an toàn thích hợp. Dưới đây là một số cách phòng ngừa ngộ độc Botulinum mà TS.BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo:

1. Chế biến thực phẩm đúng cách

Khi chúng ta chế biến thực phẩm tươi sống, làm các loại thức ăn đóng chai lọ thì việc đầu tiên chúng ta phải làm trong môi trường sạch để ngăn ngừa sự sinh trưởng và sản xuất chất độc tố botulinum trong thực phẩm. Nghĩa là phải lau chùi, vệ sinh thường xuyên để tránh bụi bẩn, đất cát bám vào, vị trí chế biến thức ăn rất sạch sẽ.

2. Không nên đóng, gói kín nếu không có kỹ thuật tốt

Các nhà sản xuất chuyên nghiệp khi người ta đóng gói thì họ chiếu tia khử khuẩn vào để cho thực phẩm an toàn. Trong khi đó, các hộ gia đình cá nhân đóng gói ở nhà đều không an toàn. Chúng ta có thể sử dụng biện pháp phòng tránh khác đó là sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5%, 5% gam muối/100gr thức ăn bởi ở môi trường mặn quá vi khuẩn không phát triển được.

3. Kiểm tra hạn sử dụng và ngày sản xuất

Giai đoạn sử dụng thức ăn chúng ta phải xem hạn dùng. Đối với các nhà sản xuất, họ có những hạn dùng đảm bảo khoảng thời gian đó không có vi khuẩn phát triển. Do vậy, mọi người không nên ăn thực phẩm quá hạn sử dụng.

4. Không sử dụng sản phẩm có dấu hiệu bất thường

Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho hay, không sử dụng thực phẩm hoặc sản phẩm nếu có dấu hiệu bất thường, mốc, hay mùi lạ. Thực tế, không chỉ botulinum mà các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây ra nhiễm độc, khi nó tái hoạt sẽ sinh ra khí và làm móp méo các đồ ăn. Do vậy, nếu chúng ta thấy những thứ ấy phồng lên một cách biến dạng hoặc mở ra có mùi, không còn hương vị tự nhiên thì không ăn mặc dù nó vẫn còn trong hạn sử dụng.

5. Nấu chín thực phẩm

Nấu chín thực phẩm đủ lâu và ở nhiệt độ đủ cao sẽ tiêu diệt vi khuẩn botulinum và chất độc tố botulinum. Chúng ta có thể nấu thực phẩm trong 100 độ trong vòng 10 đến 15 phút sẽ hạn chế được chất độc botulinum, dù không đảm bảo 100% nhưng giảm rất nhiều vấn đề bị ngộ độc.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-bv-cho-ray-huong-dan-5-cach-phong-ngo-doc-botulinum-can-biet-16923080419155521.htm