Bác sĩ cảnh báo cẩn trọng với những chấn thương vùng mắt của trẻ

Ngày 3/7, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) đã cảnh báo về số ca tai nạn sinh hoạt ngoài trời ở trẻ em có xu hướng gia tăng trong dịp nghỉ hè. Trong đó, chấn thương vùng mắt là tình huống tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, dễ bị xem nhẹ nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời.

Một trường hợp điển hình là bệnh nhi L.T.L. (7 tuổi, ngụ Cà Mau) bị cây đâm vào vùng mặt khi đang chơi ngoài sân vào buổi tối. Sau chấn thương, mắt bé L. có dấu hiệu chảy máu, sưng đau. Gia đình đã đưa bé đến phòng khám địa phương để lấy dị vật. Tại đây, bé được kê đơn kháng sinh và thuốc kháng viêm.

Bệnh nhi L. nhập viện với các tổn thương mắt bị sưng, mưng mủ. Ảnh: BV

Bệnh nhi L. nhập viện với các tổn thương mắt bị sưng, mưng mủ. Ảnh: BV

Tuy nhiên, do dị vật không được lấy hết và bé không được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, tình trạng ngày càng diễn tiến nặng. Chỉ sau 2 ngày, vùng mắt phải của bệnh nhi sưng to, mưng mủ, đau nhức dữ dội, xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng. Gia đình lập tức chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để được thăm khám và điều trị.

Tại đây, sau thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm trùng nặng vùng hốc mắt kèm theo dị vật bên trong, tổn thương nhánh trên dây thần kinh sọ số 3 gây biểu hiện lé ngoài và sụp mi. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy có ổ áp xe lớn quanh hốc mắt phải và nghi ngờ còn dị vật nằm sâu trong mô mềm.

Trước tình trạng nguy cấp, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. BS.CK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh, quyền Trưởng khoa Mắt, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, sau khi mở vết thương vùng mi mắt, ê kíp phẫu thuật đã hút mủ và lấy ra một dị vật bằng gỗ dài khoảng 1,5 cm nằm sâu trong mô mềm gần ổ mắt. Dị vật này là nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm trùng lan rộng và hình thành ổ áp xe.

Mẫu dị vật gỗ được lấy ra từ hốc mắt của bệnh nhi L. Ảnh: BV

Mẫu dị vật gỗ được lấy ra từ hốc mắt của bệnh nhi L. Ảnh: BV

Hiện bệnh nhi L. đã qua cơn nguy kịch, được chăm sóc hậu phẫu và tiếp tục điều trị bằng kháng sinh tích cực tại bệnh viện. Khối nhiễm trùng vùng hốc mắt đã giảm nhiều, tình trạng lé và sụp mi cũng cải thiện rõ rệt.

Từ trường hợp trên, BS.CK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan với bất kỳ chấn thương nào liên quan đến vùng mắt của trẻ. Theo bác sĩ, chấn thương mắt là tình huống cấp cứu, cần được xử trí đúng cách ngay từ đầu. Việc xử lý sai cách, để sót dị vật hoặc chậm trễ điều trị có thể dẫn đến áp xe, viêm mô tế bào hốc mắt, hoại tử mô mềm, ảnh hưởng thị lực vĩnh viễn, thậm chí đe dọa tính mạng.

Phụ huynh tuyệt đối không tự ý lấy dị vật tại nhà hoặc điều trị tại những cơ sở y tế không có chuyên khoa mắt. Khi trẻ gặp tai nạn liên quan đến mắt, cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để được thăm khám và theo dõi đúng chuyên môn.

“Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, chỉ một phút bất cẩn, một vật nhọn tưởng chừng vô hại cũng có thể gây tổn thương nghiêm trọng. Quan trọng nhất là phụ huynh cần theo dõi sát sau chấn thương, không chần chừ khi thấy trẻ có biểu hiện sưng nề kéo dài, chảy mủ, đau nhiều hay than mờ mắt. Việc đưa trẻ đến bệnh viện sớm sẽ quyết định hiệu quả điều trị”, BS.CK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh nhấn mạnh.

Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/bac-si-canh-bao-can-trong-voi-nhung-chan-thuong-vung-mat-cua-tre-20250703193324376.htm