Bác sĩ cảnh báo trò chơi 'tử thần' chèn động mạch cổ của giới trẻ

Nhiều người trẻ bị cuốn vào trò 'bắt pen' bằng cách dùng ngón tay ấn mạnh vào 2 động mạch ở cổ cực kỳ nguy hiểm có thể gây tử vong nhanh chóng.

Chia sẻ trên mạng xã hội, một số người cho hay, hành động đó khiến họ có cảm giác lâng lâng, từ từ ngất lịm sau đó được bạn bè đánh thức dậy.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), bày tỏ sự lo ngại khi xem hình ảnh các bạn trẻ tham gia trò chơi một cách hào hứng và khoe lên mạng. Theo bác sĩ Mạnh, dùng 2 ngón tay ép chặt vào 2 mạch máu ở cổ có thể gây tắc, thậm chí vỡ mạch. Tác động trên cản trở lưu thông máu dẫn tới thiếu máu não, co giật, ngất, đột quỵ. Với người có bệnh lý tim mạch hoặc huyết áp cao, trò mạo hiểm trên có thể gây tử vong.

Nhiều học sinh thích thú với trò chơi "bắt pen". Clip trên mạng xã hội

Người chơi có thể bị ngất tạm thời. Khi được bạn bè gọi dậy, họ cảm thấy thoải mái nhưng đây là cảm giác giả tạo.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cũng khẳng định, trò chơi trên rất nguy hiểm. Ép chặt 2 bên động mạch cảnh sẽ làm giảm tưới máu não nghiêm trọng. Hai động mạch này chịu trách nhiệm 70-80% lượng máu lên não. Thao tác nhanh sẽ gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua. Trường hợp chèn ép động mạch quá lâu có thể gây đột quỵ do thiếu máu. Đặc biệt, những người đã có sẵn tình trạng tắc hẹp mạch máu trước đó nhưng không biết có khả năng nguy hiểm tới tính mạng.

Ngoài ra, chèn mạnh tay cũng dễ gây tổn thương động mạch cảnh. Năm 2008, bác sĩ Thắng từng chứng kiến một bà mẹ trẻ cấp cứu vì yếu nửa người. Kiểm tra mạch máu ghi nhận hình ảnh bóc tách động mạch cảnh trong. Khai thác bệnh sử trước đó, người phụ nữ này bị cậu con trai bé bám vào cổ để đu.

Vùng cổ có hệ thống mạch quan trọng, đặc biệt động mạch cảnh là mạch máu chính cung cấp oxy cho não nên khi bị chèn ép, tiếp xúc không đúng cách dễ gây biến chứng tim mạch cấp tính. Bác sĩ Thắng cho biết, hành động ép cổ gây kích thích xoang cảnh, có thể làm chậm nhịp tim, ngưng tim. Vì vậy, người dân không nên tự massage, day ép vùng cổ.

Mạch máu ở cổ rất mềm, ấn vào có khả năng làm máu ngừng lưu thông được ứng dụng trong sơ cứu cho người bị mất máu. Tuy nhiên, chỉ nhân viên y tế hoặc cứu hộ có kinh nghiệm mới có thể sử dụng chuẩn xác thao tác này trong trường hợp sơ cứu tránh cho nạn nhân mất máu dẫn tới tử vong.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-si-so-hai-truoc-tro-choi-tu-than-chen-dong-mach-co-cua-gioi-tre-2331146.html