Bác sĩ chỉ cách sơ cứu giúp trẻ an toàn khi uống nhầm hóa chất

Trẻ thường rất thích những điều mới lạ, nhất là những thứ có màu sắc bắt mắt. Chính vì vậy trẻ rất dễ bị nhầm lẫn nếu không được cha mẹ chỉ bảo.

Những ngày qua, thông tin về việc 3 cháu nhỏ ở Kon Tum phải nhập viện vì uống nhầm nước tẩy rửa, trong đó 1 bé tử vong khiến nhiều người không khỏi xót xa. Từ sự việc này, nhiều người bày tỏ lo ngại về vấn đề an toàn của con em mình, bởi xung quanh trẻ thường vẫn hiện hữu rất nhiều những hóa chất nguy hiểm.

Dậy trẻ cách nhận biết nguy hiểm

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự việc đáng tiếc nêu trên nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ đã thiếu sót trong việc giáo dục con.

Một trong hai cháu nhỏ (ngồi, áo xám) thoát nguy kịch vì uống nước tẩy, hiện đang được chăm sóc ở BVĐK tỉnh Kon Tum.

Một trong hai cháu nhỏ (ngồi, áo xám) thoát nguy kịch vì uống nước tẩy, hiện đang được chăm sóc ở BVĐK tỉnh Kon Tum.

Theo TS Vũ Thu Hương, trẻ em thường rất thích những điều mới lạ, nhất là những thứ có màu sắc bắt mắt. Trùng hợp là những sản phẩm như sữa, nước ngọt trên thị trường lại có màu sắc rất giống với những hóa chất tẩy rửa hiện nay. Chính vì vậy trẻ rất dễ bị nhầm lẫn nếu không thường xuyên được cha mẹ chỉ bảo.

"Trẻ rất khó có thể phân biệt được chai nước đó có độc hại hay không nếu không được cha mẹ hướng dẫn. Chính vì vậy cha mẹ cần phải luôn dạy cho trẻ, những loại nước nào được uống và loại nào tuyệt đối phải tránh xa.

Và việc nhắc nhở, hướng dẫn này phải được lặp đi lặp lại nhiều lần, bởi trẻ em thường sẽ nhanh quên nếu không có ấn tượng với điều gì đó", TS. Vũ Thu Hương nói.

TS. Vũ Thu Hương cho biết, để trẻ có ấn tượng và ghi nhớ, cha mẹ nên cho trẻ trải nghiệm thực tế. Cách thức có thể là pha những cốc nước có màu sắc giống nhau nhưng lại có mùi vị khác nhau, như cốc nước có vị ngọt (đường), nước có vị mặn (muối) và nước có vị đắng (cho vitamin B1), sau đó cho trẻ quan sát và nếm thử mùi vị của 3 cốc nước này.

"Trẻ sẽ nhận ra rằng, không phải loại nước nào cùng màu sắc cũng có mùi vị hấp dẫn như nhau. Có những loại nước nhìn rất hấp dẫn nhưng trẻ cần phải tránh xa vì nó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiếp đó cha mẹ có thể cho trẻ xem hình ảnh của những loại nước độc hại này và nói về tác hại khi không may trẻ uống phải", TS. Vũ Thu Hương hướng dẫn.

Trẻ rất dễ bị nhầm lẫn và uống phải hóa chất nếu không được cha mẹ chỉ bảo. Ảnh minh họa.

Trẻ rất dễ bị nhầm lẫn và uống phải hóa chất nếu không được cha mẹ chỉ bảo. Ảnh minh họa.

Theo TS. Vũ Thu Hương, thực tế có những gia đình dán nhãn đầu lâu xương chéo vào các chai hóa chất và yêu cầu trẻ không được tới gần. Tuy nhiên cách này chỉ có tác dụng trong phạm vi gia đình của trẻ, vì khi trẻ đến nhà hàng xóm, trường học, nhà người thân…, những chai hóa chất tẩy độc hại này vẫn có thể khiến trẻ nhầm lẫn vì không được dán nhãn như ở nhà.

Sơ cứu khi trẻ không may uống phải hóa chất

Theo BSCKII Lê Thanh Chương - Trưởng Khoa Hồi sức Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, đa phần cha mẹ khi thấy con uống nhầm hóa chất đều rất hoảng sợ, thậm chí vội vàng hô hấp nhân tạo hay móc họng gây nôn cho con. Tuy nhiên, khi không biết hóa chất trẻ uống nhầm là gì, nếu thực hiện những cách này sẽ gây thêm nguy hiểm cho trẻ.

Điều này là do các chất có tính kiềm, axit, xăng dầu… việc kích thích nôn làm trẻ ho nhiều hơn, khiến hóa chất tràn vào khí quản. Hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp sẽ gây ngộ độc, bỏng khí quản, nặng hơn có thể suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Còn khi hô hấp nhân tạo, người thực hiện vô tình hít phải khí này sẽ gây ngộ độc, vì các chất này dễ bay hơi.

Cách xử lý an toàn nhất là cần bình tĩnh xem loại hóa chất trẻ ăn, uống phải. Với các hóa chất bay hơi, các loại axit như nước tẩy bồn cầu, acetone… (xà phòng tắm, nước rửa bát, dầu gội…) nên cho trẻ uống nước từng ngụm nhỏ, để có thể trung hòa lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể.

Khi trẻ uống nhầm dầu hỏa, cần cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng. Sau đó cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị.

Trong trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất nông nghiệp phải gây nôn càng sớm càng tốt. Phụ huynh cho trẻ nằm thấp để tránh bị sặc vào phổi, hoặc có thể cho trẻ uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc. Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu, cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc.

Ngày 18/7, BVĐK tỉnh Kon Tum thông tin, trong vòng một tuần qua, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị, cấp cứu cho 3 bệnh nhi ngộ độc chất tẩy rửa. Trong đó, một trường hợp không may tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Trước đó, tối ngày 13/7, BVĐK tỉnh Kon Tum tiếp nhận 2 bé là cháu Y.L.Đ. và Y.M.H. (cùng 4 tuổi, trú tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, Kon Tum).

2 bé này đều được đưa vào phòng cấp cứu, các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng cháu Y.L.Đ. ngừng tim, ngừng thở.

Tiếp đó, đến đêm 17/7, BVĐK tỉnh Kon Tum tiếp tục cấp cứu bé Y.L. 4 tuổi, trú xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, Kon Tum trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, nguyên nhân do uống nước tẩy.

Khai thác bệnh sử từ gia đình cho thấy, 3 cháu đều uống nước tẩy loại tẩy rửa nhà cửa, xe máy.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-chi-cach-so-cuu-giup-tre-an-toan-khi-uong-nham-hoa-chat-169240720161229395.htm