Đeo còng giấy vào tay kể tội trẻ - trò đùa phản cảm

Thật đáng buồn khi hình ảnh của các em nhỏ được mang ra để câu like, câu view trên mạng xã hội bằng những câu nói mang tính phán xét, đó là điều không thể chấp nhận được.

Mới đây, trên mạng xã hội, xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh trẻ nhỏ đang học mầm non bị đeo còng giấy ở cổ tay với các "tội danh" như "7h30 vào lớp, 10h mới có mặt", "ăn chậm nhất", "bà tám của lớp", “thánh dỗi của lớp”, “sơ hở là khóc”…Mặc dù đây chỉ là trò đùa vui, theo "trend" trên tiktok, nhưng ngay lập tức, clip này đã nhận không ít sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng, nhất là những phụ huynh có con nhỏ, bởi sự phản cảm, phản giáo dục.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chuyên gia tâm lý trẻ em Bình An, cảm thấy bất ngờ và buồn khi đọc, xem những hình ảnh của các em nhỏ được mang ra để câu like câu view trên mạng xã hội bằng những câu nói mang tính phán xét. Đáng buồn hơn, khi người đăng video này lại là một giáo viên, một người mà lẽ ra phải bảo vệ và thấu hiểu các em. Có thể khi đăng tải những hình ảnh này là cảm hứng bất chợt của cô giáo và cũng chỉ với mục tiêu tạo sự hài hước, thú vị nhưng điều đó là không thể chấp nhận được.

Là một người mẹ, chị Đào Thanh Hương ở Nam Định cũng không cho rằng đây là trò vui. “Khi nghĩ con mình nếu là những đứa trẻ đó mà bị bêu riếu bằng ngôn từ, tội danh phản cảm và còng tay như thế tôi cảm thấy không thoải mái và cần phải lên án”, chị Thanh Hương chia sẻ.

Từ trước đến nay việc sử dụng hình ảnh trẻ em trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đều phải rất cẩn thận vậy mà ở đây lại chính giáo viên mầm non là người quay clip tạo trend nên anh Lê Thanh Vân, một người sáng tạo nội dung trên tiktok cho rằng, hành vi này là thiếu hiểu biết và không nhân văn.

Liệu khi trò đùa vượt quá giới hạn của sự hài hước, câu view sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và nhận thức của trẻ? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Bình An khẳng định, trẻ em, trong giai đoạn hình thành nhân cách, giống như một tờ giấy trắng, dễ bị ảnh hưởng và tác động từ môi trường xung quanh.Thậm chí ngay cả khi đã trưởng thành, nếu xem lại những hình ảnh này sẽ khiến các em bị nhắc nhớ về điều tệ hại trong quá khứ. Nó sẽ giảm sự tự tin, làm các bạn lo lắng và sợ hãi. Hơn nữa, nỗi sợ hãi và căng thẳng khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng đến khả năng hình thành sự gắn bó và tin tưởng người khác, tác động tiêu cực đến sự phát triển xã hội của trẻ.

Câu chuyện “tạo trend” vượt quá giới hạn của câu view lần này không phải đầu tiên. Thực tế, thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video phản cảm, câu view bẩn liên quan đến trẻ em khiến dư luận phẫn nộ. Điển hình như đoạn video của một tiktoker xui 3 em nhỏ chui vào trụ bê tông để thử nghiệm xem các bé có thể chui lọt hay không và treo thưởng 2 gói bim bim…Theo chuyên gia tâm lý Bình An có 3 nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em bị biến thành nội dung câu view trên các nền tảng video trực tuyến ngày càng phổ biến. Thứ nhất là do sự thiếu hiểu biết của người sử dụng mạng xã hội. Thứ hai là do các con chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân và cũng chưa đủ nhận thức để hiểu rằng sức lan tỏa, ảnh hưởng của mạng xã hội lớn đến mức độ nào. Và điều thứ ba liên quan đến sự làm gương của người lớn, tự cho mình cái quyền thích là làm mà không cần quan tâm đến tâm trạng của con có muốn hay không.

Chuyên gia tâm lý Bình An cho rằng, từ sự việc lần này, mỗi người lớn cần phải hiểu, tôn trọng quyền và sự an toàn của trẻ em. Cần bảo đảm rằng trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và bỏ bê; đồng thời tất cả các hoạt động liên quan đến trẻ đều hướng tới tôn trọng phẩm giá và sự an toàn của các em.

“Phải tôn trọng hình ảnh riêng tư của trẻ em kể cả mình là cô giáo hay là cha mẹ. Khi sử dụng hình ảnh của các con phải ý thức được rằng nó có thể sẽ tạo ra những hệ lụy bởi rất nhiều kẻ xấu sẽ thu thập thông tin trên mạng mà mình cung cấp để trục lợi”, chị Bình An lưu ý.

Ngoài ra theo chị Bình An mỗi người lớn phải làm gương trong việc sử dụng mạng xã hội, có sự tiết chế nhất định trong việc đăng thông tin. Trẻ con sẽ nhìn cái cách mà cha mẹ, thầy cô sử dụng mạng xã hội như thế nào để học theo. Điều quan trọng nữa là đối với trẻ em do chưa có khả năng để tự làm chủ việc sử dụng mạng xã hội cho nên cha mẹ, thầy cô giáo cần có nguyên tắc trong việc kiểm duyệt thời lượng cũng như nội dung mà trẻ sử dụng trên mạng xã hội để đảm bảo sự an toàn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, càng ngày, trẻ em càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trên mạng bởi sự non nớt, dễ lợi dụng của trẻ. Bởi vậy không ai khác, chính các bậc cha mẹ, người lớn cần xác định làm thế nào để biến mạng xã hội thành phương tiện giúp trẻ học, phát triển tư duy chứ không phải công cụ để “câu view” câu like. Bằng sự cẩn trọng và trách nhiệm, mỗi người lớn cần nghiêm khắc để xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai.

Thanh Hương/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/deo-cong-giay-vao-tay-ke-toi-tre-tro-dua-phan-cam-post1119203.vov