Bác sĩ chuyên khoa II Tăng Xuân Khoa: 'Hạt nhân' quan trọng trong cuộc chiến chống dịch ở đất Cảng
Bác sĩ Chuyên khoa II Tăng Xuân Khoa (SN 1974, Phó Giám đốc Bệnh viện Kiến An, TP Hải Phòng) được đồng nghiệp gọi là người đàn ông 'thép' khi hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên địa bàn TP Hải Phòng thời gian qua.
Ký ức những ngày lao vào “cuộc chiến” chống COVID-19
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Hải Phòng trở thành khu vực “nguy cơ rất cao”. Bệnh viện (BV) Kiến An là một trong những đơn vị y tế giữ vai trò chủ chốt trên mặt trận chống dịch, xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân (BN) mắc COVID-19.
Bác sỹ Khoa kể lại, với phương án BV “tách đôi” này, BV có 300 giường bệnh điều trị người không mắc COVID-19, 260 giường bệnh điều trị người mắc COVID-19. Với các BN nhiễm COVID-19, BV xây dựng phương án điều trị theo phân tầng, đúng phác đồ, hạn chế thấp nhất tử vong; nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
Từ cuối tháng 11/2021, BV sắp xếp các khu điều trị nội trú cho BN COVID-19 gồm: Hồi sức tích cực, khu điều trị BN nhiễm COVID-19 nặng, khu điều trị BN nhiễm COVID-19 trung bình, Sản COVID-19, Ngoại COVID-19. Cùng với đó, BV đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh, 2 tổ cấp cứu lưu động để giải quyết nhanh nhất mọi tình huống xảy ra.
Từ đó đến nay, có khoảng 1.789 BN COVID-19 đã được điều trị và chăm sóc tại BV. Thời gian cao điểm nhất, BV đón tiếp 300 BN COVID-19 và sử dụng 24/30 máy thở được trang bị.
Nhiệm vụ của bác sĩ Khoa là chỉ đạo tổng thể hoạt động thăm khám, chăm sóc BN nhiễm COVID-19. Từ cách bố trí, tiếp đón đến phân bổ nhân lực, hạ tầng, trang thiết bị, xây dựng kế hoạch thu dung điều trị. Ngoài trực tiếp tham gia đi buồng, khám chữa cho các BN nhiễm COVID-19, ông cũng chịu trách nhiệm chuyên môn của khoa Hồi sức tích cực; chủ trì tham gia hội chẩn và hội chẩn liên viện trực tuyến cho tất cả các BN nặng của khoa.
“Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là thời điểm khó khăn, vất vả nhất với đội ngũ chăm sóc cho BN nhiễm COVID-19. Hầu như tôi và các cán bộ y tế không có ngày nghỉ Tết nào. Hầu hết các BN phải ở lại điều trị COVID-19 tại BV vào dịp Tết âm lịch là các BN rất nặng. Do đó, bất kể ngày 30 Tết hay mùng 1 âm lịch, việc trực chiến tại BV, hội chẩn cho BN là nhiệm vụ thường xuyên”, bác sĩ Khoa kể lại.
Mỗi BN nhiễm COVID-19 có cách điều trị khác nhau và cần nhiều “cái đầu” để đưa ra giải pháp tốt nhất. Người bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm.
Trong quãng thời gian khó khăn ấy, bác sỹ Khoa nhớ nhất quá trình chăm sóc cho một sản phụ trẻ mang thai lần 2 được 30 tuần. Sản phụ này chưa tiêm vaccine, nhập viện với các triệu chứng khá nặng, phải thở máy. BN bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp nguy kịch dẫn đến phải triển khai lọc máu. May mắn rằng, khi tiên lượng được tình trạng sức khỏe của BN, các bác sỹ đã chỉ định mổ cấp cứu cho em bé trước khi tiến hành điều trị COVID-19 cho mẹ. Em bé mạnh khỏe chào đời, nặng 1,8kg. Sau thời gian xa cách 1 tháng điều trị tích cực cho mẹ, hai mẹ con được đoàn tụ trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Niềm vui là vậy. Nhưng nỗi trăn trở cũng không ít. Có 30 BN nhiễm COVID-19 đã tử vong tại BV. Mặc dù nguyên nhân chính của việc tử vong là do BN mắc bệnh nền, cao tuổi (chủ yếu 80-100 tuổi); nhưng đây vẫn là những “nốt lặng” trầm buồn trong cuộc chiến chống dịch tại BV.
1 BV, 12 ngàn mũi tiêm/ngày
Năm 2021 được coi là năm vất vả nhất trong quãng thời gian bác sĩ Khoa công tác tại BV. Song song với việc điều động trên 3.000 lượt nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch, BV cũng cử 25 cán bộ viên chức (gồm 8 bác sĩ và 17 điều dưỡng) tăng cường cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, TP HCM và Tây Ninh.
Khi dịch bùng lên tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), nhiệm vụ đầu tiên của BV là lấy mẫu xét nghiệm để hỗ trợ cho BV Đa khoa huyện Vĩnh Bảo. Trong vòng 1 tuần, các “chiến sỹ” áo trắng đã hoàn thành việc lấy mẫu cho 30.000 người dân.
Chiến dịch vừa kết thúc, nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho KCN Đồ Sơn, Nomura, Đình Vũ; cho giáo viên trên địa bàn huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão lại bắt đầu. Mỗi chiến dịch, bác sĩ Khoa điều hành từ 70-90 nhân viên thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu. Với yêu cầu nhanh, chính xác và đúng quy trình, việc lấy mẫu trong thời tiết nắng nóng và phải khoác trên người bộ quần áo bảo hộ y tế; là một nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng y tế.
Thời điểm dịch bùng phát, BV Kiến An là một trong những đơn vị y tế của Hải Phòng đủ điều kiện đã lấy mẫu, xét nghiệm PCR cho người dân phục vụ việc học tập, đi lại. BV đã làm test nhanh kháng nguyên cho 95.912 mẫu; xét nghiệm PCR cho 220.008 người.
Kết thúc việc lấy mẫu, BV bắt tay vào chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19, trụ cột quan trọng nhất của công tác chống dịch. 50.000 mũi tiêm tại KCN Nomura, 7.000 mũi tiêm tại KCN Đồ Sơn, 12.000 mũi tiêm cho học sinh huyện Tiên Lãng, quận Kiến An, huyện Kiến Thụy đã hoàn thành an toàn, không xảy ra sự cố y khoa.
Kế tiếp, vẫn là chuỗi thời gian không có ngày nghỉ Thứ Bảy, Chủ nhật, dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Khoa, các nhân viên y tế tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ tiêm chủng cho người dân, người cao tuổi, DN với khoảng 200.000 mũi tiêm trong thời gian khoảng 3 tháng. Có ngày, cán bộ, người lao động tại BV hoàn thành 12.000 mũi tiêm vaccine trước sự ngỡ ngàng của Ban lãnh đạo BV cũng như Sở Y tế TP Hải Phòng.
“Bật mí” về việc giải quyết khoa học khối lượng công việc khổng lổ nói trên, bác sĩ Khoa chia sẻ: “Toàn bộ kịch bản chống dịch đã diễn ra trong thời gian qua là nhiệm vụ mà BV cũng như người lao động chưa từng làm. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng kế hoạch cho từng nhiệm vụ và bình tĩnh xử lý tất cả các tình huống xảy ra”.
Nhớ lại chặng đường 22 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Khoa cho biết: Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng, ông về công tác tại BV Kiến An. Sau 14 năm hoàn thành xuất sắc vai trò của một bác sĩ hồi sức tích cực, ông được bổ nhiệm Trưởng phòng Kế hoạch. Năm 2015, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc BV Kiến An kiêm Phó khoa Hồi sức tích cực.
Năm 2018, trận ốm “thập tử nhất sinh” đã khiến một bác sĩ khỏe mạnh, nặng 60kg còn chưa nổi 37kg. Bác sĩ Khoa kể lại, trong quá trình chăm sóc BN tại khoa Hồi sức tích cực, ông bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc dẫn đến áp xe vùng hạ họng, thanh quản. Khi bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm, ông được chuyển lên BV Tai Mũi Họng TW điều trị. Phần áp xe bị nhiễm trùng nặng, cái khó là không có loại kháng sinh nào có thể điều trị được bởi vi khuẩn đa kháng thuốc. Có thời điểm bất lực, ông đã gọi điện cho vợ thều thào: “Cho anh về, có gì anh còn chết ở nhà”. Nhưng may mắn rằng, nhờ sự chăm sóc tích cực của người thân, sau khi rời BV 1 tháng, sức khỏe của ông đã cải thiện và quay trở lại với công việc.
Bác sĩ Khoa tâm niệm: “Với tôi, chức vụ không quan trọng bằng nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao phó. Quan trọng không phải ngồi ở vị trí nào, mà ngồi ở đâu để gánh vác nhiệm vụ ấy”.
Với những nỗ lực trong công việc, năm 2014-2015, bác sĩ Tăng Xuân Khoa được Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tặng Bằng khen. Năm 2016-2017, ông được Bộ trưởng Y tế tặng Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Hải Phòng được đánh giá gặt hái được nhiều thành công, từ công tác tuyên truyền khiến người dân không có quan niệm “chọn vaccine”, chính quyền và nhân dân đồng thuận quyết liệt phòng chống dịch, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế…
Một trong những mô hình từng thành công trong một giai đoạn của Hải Phòng là Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19. Tổ phản ứng nhanh tập hợp lực lượng liên ngành nhiều sở, ngành, lãnh đạo tất cả các quận, huyện, lãnh đạo các đơn vị y tế, các chốt cửa ngõ trên địa bàn TP để có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách nhanh chóng, kịp thời.
Trong các tình huống xảy ra, Tổ phản ứng nhanh được thừa lệnh lãnh đạo UBND TP Hải Phòng triển khai nhanh các biện pháp chống dịch khi chưa kịp có văn bản chỉ đạo điều hành; từ đó chủ động, nghiên cứu rất kỹ về dịch tễ, đường đi của dịch, một số đường đi tác động trực tiếp vào Hải Phòng để “đánh chặn từ xa”.
Ngay từ 2020, khi chưa có hệ thống khai báo y tế, Tổ phản ứng nhanh đã tổ chức truy vết rất nhanh những người liên quan đến F0, đặc biệt là những người đi cùng các chuyến bay có ca nhiễm SARS-CoV-2..
Khi dịch bùng phát tại Hà Nội, TP HCM thì Hải Phòng luôn có kế hoạch “đánh chặn” từ rất sớm. Khi thấy số ca nhiễm ở TP HCM tăng vọt, có thể bị giãn cách xã hội, Tổ phản ứng nhanh cho rằng sẽ nhiều người Hải Phòng trở về quê hương. Ngay lập tức, Tổ tham mưu cho TP quyết định cách ly tập trung toàn bộ người từ TP HCM về.
Cách làm này vừa chặn nguy cơ lây nhiễm, vừa tạo ra một “rào cản mềm” cho chính người dân cân nhắc trước khi về địa phương. Sau khi Hà Nội giãn cách xã hội thì Hải Phòng nâng mức yêu cầu lên cách ly 14 ngày bắt buộc.