Bác sĩ có phạm luật khi quảng cáo thực phẩm chức năng, sữa giả
Theo Bộ Y tế, bác sĩ quảng cáo sữa, thực phẩm không đúng quy định có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, tùy mức độ vi phạm.

Một hộp sữa giả trong vụ án. Ảnh: VTV.
Trong video dài hơn 13 phút quảng cáo sữa Talacmum - một loại sữa giả, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, giới thiệu chi tiết về thành phần và công dụng, khẳng định có chiết xuất tổ yến Nhật Bản và đông trùng hạ thảo, nhưng kiểm nghiệm cho thấy không hề có những chất này.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bà bị "lợi dụng hình ảnh" khi xuất hiện trong quảng cáo sữa của Hacofood Group.
Việc bác sĩ tham gia quảng cáo sữa và thực phẩm chức năng là vấn đề được quan tâm, đặc biệt khi những sản phẩm này chưa được kiểm chứng rõ ràng về chất lượng. Liệu bác sĩ có nên xuất hiện trong các video quảng cáo sữa hay thực phẩm chức năng? Nếu sản phẩm đó là giả, là kém chất lượng, bác sĩ có bị xử phạt theo luật?
Bác sĩ quảng cáo sữa giả có thể bị phạt 30 triệu đồng
Liên quan vấn đề này, đại diện Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết các hành vi vi phạm quy định khi quảng cáo thực phẩm và phụ gia thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 52, Nghị định 38/2021 của Chính phủ, với mức phạt dao động từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Cụ thể, người quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng không ghi rõ hoặc không đọc rõ dòng cảnh báo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" trên các phương tiện truyền thông sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng được áp dụng nếu nội dung quảng cáo không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm, thiếu thông tin quan trọng như tên sản phẩm, công dụng chính - phụ, đơn vị phân phối.
Nếu tổ chức các sự kiện như hội chợ, hội thảo, triển lãm mà tại đó có phát tán tài liệu, hình ảnh, âm thanh quảng cáo thực phẩm, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung thì sẽ bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
"Mức phạt cao nhất, từ 20 đến 30 triệu đồng, được áp dụng với các hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm nghiêm trọng. Trong đó có việc sử dụng hình ảnh, trang phục, tên tuổi của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; đăng thư cảm ơn của bệnh nhân; hoặc dẫn lời người bệnh mô tả sản phẩm có tác dụng điều trị.
Ngoài ra, nếu nội dung quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh thì cũng bị xử phạt ở mức này", đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, quy định hiện hành yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi quảng cáo thực phẩm phải đăng ký và được cấp phép nội dung, đảm bảo thông tin trung thực, đúng với chức năng, tác dụng đã công bố.
Tuyệt đối không được sử dụng hình ảnh, tên tuổi, thư tín hay trang phục của bác sĩ, nhân viên y tế trong quảng cáo. Việc bác sĩ hay cán bộ y tế tham gia quảng cáo thực phẩm là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của nội dung quảng cáo và tính chất sản phẩm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xuất hiện trong video quảng cáo trên kênh YouTube "Tập đoàn Dược Quốc tế".
Ngay cả bác sĩ nghỉ hưu, nếu vẫn còn hành nghề với giấy phép hợp lệ, cũng không được phép tham gia quảng cáo thực phẩm dưới danh nghĩa chuyên môn y tế.
"Pháp luật không giới hạn độ tuổi hành nghề, nhưng vẫn ràng buộc trách nhiệm chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đối với mọi hành vi công khai trước công chúng", vị này nhấn mạnh.
Ai có thẩm quyền xử phạt?
Trước thắc mắc ai có thẩm quyền xử phạt các vi phạm trong quảng cáo, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết việc xử phạt được phân cấp. Đối với nhóm sản phẩm như sữa, cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, hậu kiểm và xử phạt. Trong khi đó, nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm trực tiếp xử lý nếu phát hiện vi phạm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Về lý do không hậu kiểm thường xuyên các sản phẩm sữa, theo quy định tại Nghị định 15/2018, Cục An toàn thực phẩm là cơ quan quản lý cấp trung ương, có vai trò hướng dẫn chuyên môn và thực hiện hậu kiểm đối với nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm do Cục cấp phép công bố.
Tuy nhiên, với phần lớn các sản phẩm được phân cấp về địa phương, bao gồm nhiều loại sữa công thức, thực phẩm chức năng, thì trách nhiệm hậu kiểm, kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc về Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm hoặc Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố.
"Cục An toàn thực phẩm cũng thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc công tác hậu kiểm, và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể yêu cầu địa phương vào cuộc hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan xử lý có thẩm quyền", đại diện Cục An toàn thực phẩm nói.
Trước đó, ngày 12/4, Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về hai tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, nhận thấy nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm dinh dưỡng, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà cầm đầu đã thành lập Công ty Rance Pharma (khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, Hà Đông) để sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả.
Đến nay, nhóm này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột, trong đó có các loại dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.