Bác sĩ Đặng Thùy Trâm với thủy thủ tàu không số
Trang đầu tiên của cuốn nhật ký, ngày 10-4-1968, bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết: 'Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mang giữa khu rừng vắng vẻ.
Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương...”-các anh trong trang nhật ký của Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm chính là 14 cán bộ, chiến sĩ trên con tàu không số mang số hiệu 43 huyền thoại.
Trong cuốn sách “Có một con đường mòn trên Biển Đông”, NXB Trẻ, năm 1995, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng, nguyên Trưởng phòng Hải quân (Bộ Tham mưu, Quân khu 9) viết: "Hai giờ chiều ngày hôm ấy, mười mấy anh em thủy thủ đến được bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị không nói gì nhưng biết chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số. Bệnh xá đói, chị Trâm và các nhân viên cũng chẳng đủ no, nhưng chúng tôi vẫn được nuôi dưỡng, chăm sóc rất chu đáo...”.
Theo hồi tưởng của ông Nguyễn Đắc Thắng, ngày 27-2-1968, Tàu 43 của ta có 17 cán bộ, thủy thủ, do ông Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy, chở vũ khí chi viện cho chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đêm 1-3, khi tàu gần vào đến bến thì bị địch phát hiện. Tàu 43 hạ quyết tâm chiến đấu với địch nhưng vì chênh lệch lực lượng, lại ở thế bất lợi nên 3 thủy thủ của tàu hy sinh, 12 người bị thương. Trước tình hình đó, phương án hủy tàu và rút người lên bờ được Tàu 43 lựa chọn. Sau khi điểm hỏa hẹn giờ, các chiến sĩ rời tàu, tìm cách vào bờ, còn con tàu và toàn bộ số vũ khí đã hóa thân vào lòng biển sâu.
Vào được bờ nhưng trong tình trạng thương tích nặng, lại thiếu thốn lương thực, thuốc men nên sức khỏe của cán bộ, thủy thủ Tàu 43 mỗi lúc một suy kiệt. Rất may, các anh đã được nhân dân phát hiện, chăm sóc, bảo vệ trước các cuộc truy sát của kẻ thù. 10 ngày sau (10-3), các chiến sĩ Tàu 43 được nhân dân và du kích đưa về bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở vùng núi Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Những ngày ở bệnh xá, tình cảm của các thủy thủ tàu không số với bác sĩ Đặng Thùy Trâm và đồng bào nơi đây rất sâu sắc. Nhắc lại kỷ niệm không thể nào quên trong đời quân ngũ, Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lưu Công Hào, nguyên chiến sĩ Tàu 43, hiện sống tại Cát Bi (Hải Phòng) xúc động: "Những ngày cùng đồng đội điều trị ở bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chúng tôi đã cùng chị và nhân dân tham gia nhiều trận chiến đấu bảo vệ thương binh, bảo vệ bệnh xá”.
Ngày ấy, trong số anh em thủy thủ Tàu 43, ông Hào là người có nhiều kỷ niệm với bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhất vì ông được nhận là em kết nghĩa, hai chị em hẹn đến ngày đất nước giải phóng, chị Trâm sẽ về thăm Đồ Sơn (Hải Phòng)-quê hương ông Hào. Được những y, bác sĩ bệnh xá tích cực chăm sóc, sức khỏe hồi phục, các thủy thủ Tàu 43 lại vượt Trường Sơn trở lại miền Bắc nhận nhiệm vụ mới.
Đất nước thống nhất, nhớ về chị Đặng Thùy Trâm-người đồng chí sâu nặng ân tình, ông Lưu Công Hào cùng đồng đội ở đoàn tàu không số đã nhiều lần trở lại mảnh đất Ba Tơ khói lửa năm xưa, viếng mộ đồng đội đã hy sinh, cảm ơn đồng bào đã che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng bộ đội. Ông Hào cũng về thăm nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ở Hà Nội để thắp nén hương tưởng nhớ chị và động viên gia đình nữ bác sĩ anh hùng.