Bác sĩ đầu tiên thử nghiệm thuốc điều trị tiểu đường trên người
Người đầu tiên thử nghiệm metformin trên người là Jean Sterne, một bác sĩ và cũng là chuyên gia tiểu đường người Pháp.
Người đầu tiên thử nghiệm metformin trên người là Jean Sterne, một bác sĩ và cũng là chuyên gia tiểu đường người Pháp, người đã xuất bản kết quả khá ấn tượng của mình về thuốc này năm 1957. Nó được cấp phép sử dụng ở Anh vào năm tiếp theo và sau đó tại nhiều quốc gia khác.
Tuy vậy, phải đến năm 1994, Mỹ mới chấp nhận nó, và ngày nay metformin là phương pháp điều trị được lựa chọn trên toàn thế giới để kiểm soát tiểu đường type 2. Thuốc này là thuốc gốc1 chỉ tốn vài xu mỗi liều, và hàng ngàn tấn thuốc được sản xuất mỗi năm, phần lớn ở các công ty dược phẩm Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, metformin bắt đầu cho thấy tác dụng không chỉ với bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nó không chỉ kéo dài đáng kể tuổi thọ của sinh vật mô hình, từ giun tới chuột, mà còn cải thiện sức khỏe và khí lực của chúng.
Vào năm 2014, dự án hồi cứu ở Anh cho thấy nó có hiệu quả tương tự ở người. Mục đích ban đầu của nghiên cứu này là so sánh hiệu quả của metformin và một loại thuốc ưu tiên một khác cho bệnh tiểu đường.
Các nghiên cứu viên sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ của NHS từ các thí nghiệm lâm sàng năm 2000, để xem xét tỷ lệ sống sót của hơn 78.000 bệnh nhân tiểu đường được điều trị bằng metformin, 12.000 bệnh nhân tiểu đường điều trị bằng loại thuốc ưu tiên một kia, và 90.500 người khác trong nhóm đối chứng không mắc bệnh tiểu đường.
Họ vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng nhóm bệnh nhân tiểu đường sử dụng metformin có cơ hội sống cao hơn hẳn so với nhóm dùng thuốc khác, mà sức khỏe của họ cũng được cải thiện rõ so với nhóm đối chứng không mắc tiểu đường, gợi ý rằng metformin có khả năng bảo vệ tổng quát chống lại sự tàn phá của thời gian.
Các nhà khoa học vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về cơ chế hoạt động của metformin, nhưng họ tin rằng vai trò cốt lõi của nó về cơ bản là cải thiện hoạt động của một loại enzyme trong tế bào chịu trách nhiệm ức chế quá trình đốt glucose tạo năng lượng - từ đó bắt chước hiệu quả kiểm soát calorie, đem lại các lợi ích như giảm thiệt hại oxy hóa và viêm nhiễm...
Tiếp tục hành động dựa trên các chứng cứ đầy hứa hẹn rằng nó có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát khối u, cộng đồng nghiên cứu ung thư đã bắt đầu tiến hành một loạt thí nghiệm lâm sàng với thuốc này. Và giờ đây, với nghiên cứu TAME, nó được tiến hành kiểm tra thậm chí trên phạm vi lớn hơn của lão hóa.
Tuy nhiên, metformin không phải là loại thuốc duy nhất đang được quan tâm cho chương trình đột phá này. Steven Austad, một thành viên khác của nhóm (và ta đã gặp ông trước đó trong phần thuần hóa sư tử và nghiên cứu các sinh vật có tuổi thọ cao như sò Ming), lại thích sử dụng rapamycin, “bởi vì các kết quả trên động vật thật sự quá ấn tượng”, ông nói với tạp chí Science.
Dù kém ấn tượng hơn mọi mặt so với rapamycin, metformin lại có thành tích ghi nhận khá an toàn trong thời gian dài, trong khi rapamycin, được Lynne Cox và Judy Campisi sử dụng để trẻ hóa các tế bào già trong phòng thí nghiệm, lại có nhiều tác dụng phụ khá nghiêm trọng. Austad nói, “Nir cho rằng ‘Chúng ta không có quyền giết chết bất kỳ ai trong thí nghiệm lâm sàng đầu tiên này’.
Và tôi nghĩ, ‘Về chiến lược mà nói, anh ấy đúng rồi.’” Và chiến lược ở đây là quan trọng nhất, bởi vì việc kiểm tra tính hiệu quả của thuốc trong việc trì hoãn tuổi già không phải là mục đích chính của thử nghiệm TAME.
Vậy thì mục đích chính của chương trình thí nghiệm này là gì?