Bác sĩ, điều dưỡng trạm y tế ngày đêm theo sát FO
Dù nhân lực trạm y tế ở TP.HCM còn hạn hẹp nhưng mọi người luôn nỗ lực để đảm bảo hiệu quả hoạt động phòng chống dịch COVID-19.
“Xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM có khoảng 80.000 dân. Nếu theo định mức một bác sĩ phục vụ 10.000 dân thì Trạm Y tế (TYT) xã Đông Thạnh phải có đến tám bác sĩ, không kể điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược…” - BS Phạm Văn Nghĩa, Trạm trưởng TYT xã Đông Thạnh, cho biết.
Túc trực 3-4 tháng xử lý mọi tình huống
Tuy nhiên, hiện TYT xã Đông Thạnh có hai bác sĩ và bảy điều dưỡng, nữ hộ sinh… nhưng phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. “Tới thời điểm hiện tại, xã Đông Thạnh ghi nhận 458 ca F0 được cách ly tập trung và gần 710 ca F0 không triệu chứng được điều trị tại nhà” - BS Nghĩa cho biết thêm.\
Đối với F0 cách ly tập trung, nhân viên của trạm phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo định kỳ. Nếu âm tính, F0 được về nhà nhưng nhân viên của trạm vẫn tiếp tục giám sát việc cách ly theo thời gian quy định.
“Riêng F0 không triệu chứng điều trị tại nhà, nhân viên của trạm phải theo dõi sức khỏe hằng ngày, cấp thuốc, xét nghiệm SARS-CoV-2… Trường hợp F0 tại nhà chuyển nặng, nhân viên của trạm phải chuyển đi bệnh viện” - BS Nghĩa nói.
Nhân viên của trạm còn tham gia đội phản ứng nhanh. Cho dù ngày hay đêm, mưa hoặc nắng, hễ có ca F0 gọi điện thoại là nhân viên của trạm phải có mặt để cấp cứu, xử lý tình huống, sàng lọc… để đưa vào khu cách ly hoặc cho điều trị tại nhà.
Công việc của chín nhân viên TYT xã Đông Thạnh không dừng ở đó bởi họ còn tham gia tiêm chủng và xét nghiệm SARS-CoV-2 cộng đồng. “Nhân viên của trạm phải thống kê số lượng tiêm vaccine ngừa COVID-19, chuẩn bị điểm tiêm, khám sàng lọc. Riêng hoạt động xét nghiệm, không chỉ thực hiện xét nghiệm mở rộng ngoài cộng đồng mà khi hay tin khu vực có F0 thì phải có mặt để xét nghiệm PCR và những trường hợp liên quan. Nếu dương tính thì chuyển cách ly tập trung. Công việc đôi khi kéo dài qua ngày hôm sau” - BS Nghĩa cho biết.
“Để hoàn thành khối lượng công việc nói trên và tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho người nhà, nhiều nhân viên y tế phải ở tại trạm suốt 3-4 tháng nay để kịp thời xử lý mọi tình huống. Hơn tháng nay, gần 30 tình nguyện viên được bổ sung nên ít nhiều giảm bớt một phần áp lực công việc cho nhân viên TYT xã Đông Thạnh” - BS Nghĩa trải lòng.
Luôn thăm khám FO kịp thời
“Dân số phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM trên 33.000 người nhưng TYT của phường chỉ có một bác sĩ và sáu điều dưỡng, nữ hộ sinh. Cách đây vài tháng, TYT phường được bổ sung một bác sĩ hợp đồng để tham gia phòng chống dịch COVID-19” - BS Phạm Cung, Trạm trưởng TYT phường Tân Hưng Thuận, quận 12, cho biết.
Cuối tháng 5, khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 xuất hiện và ngày càng bùng phát, nhân viên của trạm hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Hết truy vết F0 đến cách ly F1, hết lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cộng đồng đến đưa F0 đi cách ly tập trung. “Để đảm bảo mọi việc được trôi chảy, không ảnh hưởng hoạt động phòng chống dịch, đa phần nhân viên phải ở lại TYT và choàng gánh công việc cho nhau” - BS Cung chia sẻ.
Khi F0 xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng, công việc của tám bác sĩ, điều dưỡng TYT phường Tân Hưng Thuận ngập đầu. “Tới thời điểm hiện tại, 1.000 ca F0 được ghi nhận trên địa bàn phường. Trong đó, hơn 200 ca F0 không triệu chứng điều trị tại nhà. Những trường hợp này luôn được nhân viên của trạm phối hợp với nhân viên TYT lưu động thăm khám, phát thuốc và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ nên tiêu tốn khá nhiều nhân lực” - BS Cung nói.
Nhân lực chống dịch đã mỏng, thế nhưng hai nhân viên của trạm chẳng may mắc COVID-19 phải điều trị dài ngày nên sáu bác sĩ, điều dưỡng còn lại phải gánh thêm việc ngay trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. “Quản lý vaccine ngừa COVID-19, giám sát tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, truy vết và phân loại F0 để đưa đi cách ly tập trung hoặc điều trị tại nhà, xét nghiệm F0 không triệu chứng điều trị tại nhà theo định kỳ, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người giao hàng hoặc doanh nghiệp và nhiều công việc không tên khác” - BS Cung kể một loạt công việc mà nhân viên y tế phải gánh.
BS Cung chia sẻ thêm: “Thời điểm hiện tại, mặc dù được bổ sung năm tình nguyện viên nhưng công việc hằng ngày vẫn đè trên vai nhân viên của trạm. Điều đáng nói, do khối lượng công việc quá nhiều nên TYT phường Tân Hưng Thuận phải cắt cử bốn nhân viên chịu trách nhiệm làm báo cáo nhanh, báo cáo hằng ngày, báo cáo truy vết F0, báo cáo quản lý và theo dõi F0 tại nhà sau khi điều trị, báo cáo tình hình F0 không triệu chứng điều trị tại nhà…”.•
2.600 nhân viên y tế tuyến cơ sở
Theo Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có 310 TYT phường, xã, thị trấn với khoảng 2.600 bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược…
Khi dịch COVID-19 xảy ra, nhân viên của các TYT phải tham gia nhiều hoạt động phòng chống như truy vết ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19, đưa F0 đi cách ly tập trung, giám sát và chăm sóc sức khỏe F0 không triệu chứng điều trị tại nhà…
Mặc dù nhân lực có hạn, nhân viên các TYT vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Không ít nhân viên các TYT mắc COVID-19, khi điều trị khỏi vẫn tiếp tục với công việc.
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/bac-si-dieu-duong-tram-y-te-ngay-dem-theo-sat-fo-1017158.html