Bác sĩ điều trị Covid-19 ở Vũ Hán nói gì về virus corona
Khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, các chuyên gia đang chuyển hướng nghiên cứu sang Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch, để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Kể từ tháng 1-2020, các nhà khoa học tại Vũ Hán đã nghiên cứu loại virus này và nhận thấy rằng, các ca nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ nhưng có thể gây tử vong.
Các nhân viên y tế và bác sĩ đang điều trị Covid-19 ở Vũ Hán đã chia sẻ những hiểu biết của họ về virus SARS-CoV-2 như sau:
Cách thức ủ và truyền bệnh
Các thông tin về việc Covid-19 có thời gian ủ bệnh dài đã làm dấy lên nỗi lo sợ rằng, người mang mầm bệnh khi chưa được phát hiện khó thể vô tình lây nhiễm cho người khác.
Trước đó, vào cuối tháng 2, chính quyền địa phương tại một thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc cũng đã báo cáo về việc một người đàn ông 70 tuổi bị nhiễm virus nhưng sau 27 ngày mới xuất hiện triệu chứng bệnh.
Ông Du Bin, một thành viên của nhóm chuyên gia Trung Quốc giám sát việc điều trị Covid-19 cho biết, nhìn chung, thời gian ủ bệnh trung bình là từ 5-7 ngày và dài nhất là 14 ngày. Không có dữ liệu nào chứng mình thời gian ủ bệnh vượt quá 14 ngày.
Ở một số bệnh nhân, sự khởi phát của virus xảy ra rất chậm, thí dụ chỉ với một cơn sốt nhẹ, trước khi tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng trong 10 ngày sau đó, bác sĩ Li Haichao, Phó trưởng khoa Khoa hô hấp tại Bệnh viện Đại học Bắc Kinh, nhận định.
Cũng theo ông Du Bin, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy những bệnh nhân tái nhiễm sau khi hồi phục có khả năng truyền bệnh cho người khác.
Đầu tháng 3, một số trang mạng ở Trung Quốc đưa tin về một người đàn ông ở Vũ Hán đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 và được xét nghiệm âm tính với virus nhưng lại tử vong chưa đầy một tuần sau khi bị tái nhiễm bệnh. Bài báo này sau đó đã bị gỡ bỏ.
Những người trẻ tuổi cũng không phải ngoại lệ
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 là tương đối thấp (so với các bệnh khác do các chủng khác của virus corona gây ra như SARS hay MERS) và chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi có hệ thống miễn dịch yếu hoặc những người có sẵn bệnh nền. Tuy nhiên, các ca tử vong ở một số bệnh nhân trẻ tuổi cũng khiến các nhà khoa hoc đặt ra những câu hỏi chưa giải thích được.
Theo ông Du Bin, đối với những bệnh nhân có sẵn các bệnh nền như cao huyết áp và tiểu đường, việc sử dụng thông khí không xâm lấn và dùng thuốc kháng viêm liều cao trong một thời gian dài là nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên, ông không nói rõ độ tuổi mà mình đề cập tới ở những bệnh nhân trẻ tuổi.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trong các nghiên cứu trước đây về MERS, SARS và cúm, Methylprednisolone, một loại thuốc kháng viêm ức chế miễn dịch từng được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc cho các trường hợp bệnh nặng, lại có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Bài học kinh nghiệm
Ông Du Bin cho rằng, nếu có cơ hội làm lại từ đầu, ông sẽ hối thúc các bác sĩ và nhân viên y tế tại những cơ sở điều trị Covid-19 áp dụng triệt để các phương pháp chăm sóc tích cực (ICU) để từ đó đưa ra các phác đồ tốt nhất cho quá trình điều trị bệnh nhân.
Ông cũng sẽ mạnh tay hơn trong việc sử dụng phương pháp thở máy xâm lấn cho bất cứ bệnh nhân nào có biểu hiện suy hô hấp hoặc có nồng độ oxy trong máu thấp, hay còn gọi là thiếu oxy máu.
Lập sẵn các kế hoạch là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến với virus corona, ông nhấn mạnh thêm. Các quốc gia cần lên sẵn tình huống xử lý đối với từng bệnh nhân tới phòng khám có triệu chứng sốt, phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, xét nghiệm xem họ có nhiễm bệnh hay không và cách ly kịp thời. “Bạn phải chuẩn bị sẵn sàng từ giường bệnh điều trị cho tới các vật tư như trang thiết bị y tế cá nhân cho tất cả các nhân viên y tế có liên quan,” ông chia sẻ.
KHÁNH NGÂN (theo Bloomberg)