Bác sĩ điều trị HIV/AIDS: 'Phao cứu sinh' của những phận đời lạc lối
Gắn bó với công việc thăm khám và điều trị cho bệnh nhân mắc HIV/AIDS, các bác sĩ tại Bệnh viện 09 hạnh phúc vì đã 'tái sinh' cho nhiều mảnh đời mắc bệnh nhưng cũng không ít lần hụt hẫng, ám ảnh vì sự ra đi của bệnh nhân về cõi vĩnh hằng.
Bệnh viện 09 từng là nơi cứu vớt những phận đời không may mắc HIV/AIDS nhưng cũng là nơi từng chứng kiến những sự ra đi đau lòng của không ít bệnh nhân kém may mắn.
Đau đớn, xót xa hơn có những bệnh nhân đến chết vẫn cô độc vì bị người thân ruồng rẫy, bỏ rơi. Bên họ, những người khoác áo blouse trở thành chỗ dựa duy nhất, chăm sóc họ đến giây phút cuối cùng và cũng chỉ những người khoác áo màu trắng ấy tiễn biệt họ về thế giới bên kia…
"Tái sinh" cho những mảnh đời của bệnh nhân HIV/AIDS
Bác sĩ Mai Thị Hường - Trưởng khoa Khám bệnh, tư vấn và điều trị tại Bệnh viện 09 cho hay, những bệnh nhân HIV/AIDS đa phần là những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, nhạy cảm do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị đã tự cô lập, tự ti, xa lánh mọi người. Việc này cũng khiến cho nhiều bệnh nhân khó tiếp cận điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Chính vì thế, Bệnh viện 09 được xem như là điểm đến, chốn nương náu và là nơi gửi gắm niềm tin của những người nhiễm HIV/AIDS. Ở đó, họ được điều trị, chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Bác sĩ Hường cho hay, các bệnh nhân HIV/AIDS vào bệnh viện có đủ mọi tầng lớp tri thức, có những người tưởng chừng như sắp lìa xa cõi trần nhưng đã được bác sĩ "hồi sinh", có những người đã từng tự ti nhưng nay đã tái hòa nhập cộng đồng, sống một cuộc sống tích cực, nhiều ý nghĩa. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những bệnh nhân rất mạnh mẽ, vững tin vào cuộc sống vì họ vẫn có thời gian dài khỏe mạnh để cống hiến cho gia đình và xã hội.
“Có nhiều gia đình thấy con em, người thân của mình nhiễm HIV/AIDS, bị lở loét, nhiễm trùng cơ thể nặng, nghĩ sẽ không qua khỏi nên đã xin về để lo… hậu sự. Tuy nhiên, bằng sự động viên của các bác sĩ, họ đã ở lại bệnh viện điều trị", nữ trưởng khoa bệnh viện nói.
Đáng chú ý, những đóng góp tích cực hàng ngày hàng đêm của bác sĩ Hường và những người đang làm việc tại Bệnh viện 09 được ví như "chiếc phao cứu sinh" giữa dòng đời lạc lối của những số phận mang căn bệnh thế kỷ bị người đời xa lánh.
"Có người khi đến viện người gầy nhom nhem, sau đó lập gia đình sinh con khỏe mạnh quay lại khám định khiến tôi thực sự bất ngờ vì sự “hồi sinh” của họ. Cũng nhiều bệnh nhân sau khi được xuất viện đã gọi điện “khoe” với chúng tôi về công việc mới, kinh tế ổn định, làm trụ cột trong gia đình,… khiến tôi rất vui mừng và hạnh phúc”, bác sĩ Hường xúc động nhớ lại.
Với bác sĩ Hường, nhìn thấy các mảnh đời HIV/AIDS được khỏe mạnh, sống tích cực là niềm vui, hạnh phúc và nguồn động lực to lớn để nữ bác sĩ nỗ lực hơn nữa phục vụ cho công tác cứu người nói riêng và công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung.
Ám ảnh những cái chết
Làm bác sĩ nghĩa là gắn với sứ mệnh cứu người và để hoàn thành sứ mệnh ấy là cả hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, là phải quen với những áp lực, khắc nghiệt của nghề, là giây phút phải lặng lẽ giấu đi tiếng thở dài khi chứng kiến bệnh nhân lìa đời...
Trong nhiều năm công tác Bệnh viện 09, bác sĩ Hường đã từng chứng kiến không ít những cái chết cô đơn và lạnh lẽo.
Phút lâm chung của họ chỉ có mặt các y bác sĩ của bệnh viện. Thậm chí nhiều bệnh nhân có địa chỉ người thân rõ ràng nhưng khi nguy kịch, nhân viên y tế gọi điện thông báo, gia đình vẫn thẳng thừng từ chối và tỏ ra "sống chết mặc bay".
“Họ từ chối nghe điện thoại và từ chối đến thăm con/em mình. Nhiều nhà, khi bệnh nhân đã qua đời, bệnh viện đã phối hợp với nhà tang lễ lo xong hậu sự, họ vẫn không đến để nhận tro cốt của người thân”, bác sĩ Hường nói.
Nữ bác sĩ kể lại, không ít trường hợp bệnh nhân ra đi khiến bác sĩ vô cùng ám ảnh. Trong những lúc thoi thóp, ranh giới giữa sự sống và cái chết còn quá mong manh, bệnh nhân đã nắm chặt tay bác sĩ rồi nói “thèm” được gặp bố mẹ nhưng cuối cùng vẫn chẳng có ai đến, họ chết mà không nhắm được mắt.
“Chúng tôi cũng đã liên hệ gia đình. Gia đình đã nghe máy và tiếp nhận thông tin. Đáng buồn là mặc cho người bệnh mòn mỏi chờ đợi, miệng liên tục gọi bố mẹ nhưng gia đình bệnh nhân vẫn không xuất hiện. Thậm chí, còn nói những câu vô cảm “nó chết chưa” hay "kệ nó”…
Những ngày đầu khi gặp trường hợp như vậy tôi đã bị ám ảnh hàng tuần, cảm thấy xót xa vô cùng”, bác sĩ Hường nghẹn lời khi tâm sự về cuộc sống của bệnh nhân.
Theo lời bác sĩ Hường, vì ma túy, nghiện ngập nhiều bệnh nhân đã mang lại nỗi đau quá lớn đối với gia đình khiến người thân của họ không thể chấp nhận và tha thứ. Thế nhưng, trước cái chết cô đơn của những người một thời lầm lạc, nữ bác sĩ vẫn thấy chạnh lòng.
Có lẽ, đằng sau cánh cổng bệnh viện đặc biệt ấy không chỉ có nỗi đau của bệnh nhân mà còn có tiếng thở dài, thương xót của y bác sĩ - những người làm công tác điều trị tại viện 09.