Bác sĩ điều trị lao mong có thêm đãi ngộ để thu hút, giữ chân nhân lực y tế
Mỗi công việc đều mang lại niềm vui. Đối với các bác sĩ, niềm vui lớn nhất là cứu được bệnh nhân.
Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao cao nhất thế giới và đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024 là "Đúng, Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao", như một lời cam kết, thể hiện quyết tâm cao trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi bệnh lao tại Việt Nam [1].
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái (trước đây tên là Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Yên Bái) chia sẻ đã có gần 30 năm công tác trong ngành y tế. Đặc biệt, trong quá trình làm công tác phòng, chống bệnh phong, lao, bác sĩ Trường đã đi đến 175/180 xã, phường của tỉnh Yên Bái để tuyên truyền, khám sàng lọc, kiểm tra, giám sát điều trị bệnh nhân tại nhà.
Chia sẻ về quá trình học tập và công tác, bác sĩ Trường cho biết, năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên), bác sĩ Trường về công tác tại Trung tâm da liễu tỉnh Yên Bái.
Từ năm 1999 đến năm 2011, bác sĩ Trường công tác tại Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Yên Bái. Trong giai đoạn này, từ năm 2003-2005, bác sĩ Trường học cao học chuyên ngành Lao và bệnh phổi tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau đó, năm 2011, bác sĩ Trường về công tác tại Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái .
Đến nay, bác sĩ Trường đã có 25 năm gắn bó với công tác khám, điều trị bệnh lao.
Bác sĩ Trường (ngoài cùng, bên phải) tham gia hội chẩn ca bệnh lao khó cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ vào tháng 10/2021. (Ảnh: NVCC)
Kỷ niệm nhớ nhất đối với bác sĩ Trường trong quá trình làm nghề là năm 29 tuổi (khi bác sĩ Trường đã có 5 năm đi làm) nhận phân công của Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Yên Bái, bác sĩ Trường phải đi đến một gia đình (có chồng tên là Vinh, vợ tên là Thu) tại thôn Làng Ven, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) để đo dép cho hai vợ chồng mắc bệnh phong.
Để đến được nhà của hai vợ chồng này, bác sĩ Trường phải đi thuyền trên hồ Thác Bà (tuyến Thác Bà đi Xuân Long Ngọc chấn). Theo lời kể của bác sĩ Trường, hai vợ chồng mắc bệnh phong Thể nhiều vi khuẩn (MB), hiện đã biến chứng cò, cụt rụt các chi, loét da và sụp mi lác mắt nên cần phải đo kích thước bàn chân để cấp giày, dép hỗ trợ. Sau khi đo dép xong, bác sĩ Trường phải ngủ nhờ ở nhà vợ chồng mắc bệnh phong một đêm. Khi bác sĩ Trường ngồi ăn cơm cùng hai vợ chồng, người dân đi qua chứng kiến cảnh đều cảm thấy ngỡ ngàng, sợ hãi và cũng có phần nể phục bác sĩ bởi không ít người lúc đó đều xa lánh bệnh nhân phong vì sợ lây.
Cũng nhờ chuyến đi đo dép cho bệnh nhân phong mà bác sĩ Trường đã giúp bệnh nhân này phát hiện ra mắc bệnh khác – Lao phổi (Lao nặng – nguồn lây chính cho cộng đồng). Cụ thể, bác sĩ Trường nhận thấy người chồng có dấu hiệu ho nhiều, gầy, sốt và ăn uống kém nên đã khuyên bệnh nhân đi khám ở bệnh viện của tỉnh Yên Bái. Sau đó, người chồng đi khám và phát hiện bị lao phổi hệ nhiều vi khuẩn nhất trong đờm (thực tế khi đó số người mắc Lao nặng không nhiều). Người chồng bị lao đã tập trung điều trị và mong hẹn gặp bác sĩ Trường để cảm ơn nhưng do công việc bận rộn nên bác sĩ và bệnh nhân chưa có dịp gặp lại.
Mong đảm bảo chất lượng đào tạo
Chia sẻ về nơi công tác suốt nhiều năm qua, theo bác sĩ Trường, Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái chuyên tiếp nhận điều trị tất cả bệnh nhân lao và các bệnh về hô hấp. Trong tổng số bệnh nhân vào viện, số bệnh nhân mắc lao chiếm 35%. Trước đây, tỷ lệ này có thể lên đến 40-45%.
Khi giám sát điều trị bệnh nhân lao tại nhà, có lúc bác sĩ Trường phải lên tận trên đỉnh núi, thuê xe ôm, đường đi dốc dựng đứng,... công việc rất nguy hiểm nhưng không một chút ngại ngần. Đây là ảnh bác sĩ Trường đi giám sát bệnh nhân lao tại nhà ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào tháng 10/2021. (Ảnh: NVCC)
"Việc thăm khám, và điều trị lao không phải là công việc hấp dẫn, thu hút các bác sĩ, điều dưỡng tham gia làm việc. Bởi, tất cả các y bác sĩ của bệnh viện lao, phổi đều có nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân rất cao (nhất là những bệnh nhân lao kháng thuốc, lao đồng nhiễm HIV). Chưa kể, những bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV không chỉ có tình trạng sức khỏe yếu mà còn tổn thương về tâm lý nên các bác sĩ, điều dưỡng điều trị cho bệnh nhân phải vừa theo dõi sức khỏe vừa cố gắng ổn định tâm thần cho bệnh nhân. Thực tế, Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái đã có những bác sĩ, điều dưỡng nhiễm lao từ bệnh nhân", bác sĩ Trường chia sẻ.
Được biết, ngoài làm công tác chuyên môn, bác sĩ Trường còn tham gia thỉnh giảng về lao ở một số cơ sở đào tạo về lĩnh vực y tế. Bác sĩ Trường đánh giá, Lao là bộ môn lẻ, việc khám và điều trị về lao cũng không đủ sức hút đối với nhiều sinh viên so với các công việc, ngành nghề khác. Có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng kiến thức về lao, phổi còn hạn chế, bệnh viện phải đào tạo một thời gian thì các em mới có thể làm nghề. Do đó, để đảm bảo chất lượng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng về lao, các cơ sở giáo dục cần chú trọng hơn vào chất lượng chương trình đào tạo, cập nhật thường xuyên và liên tục kiến thức mới về lao để sinh viên nắm bắt kịp thời, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Trường, cũng cần giao quyền tự chủ cho giám đốc bệnh viện trong tuyển dụng các vị trí việc làm. Bởi, chỉ có nơi trực tiếp sử dụng nhân sự mới có thể đưa ra các tiêu chí tuyển dụng phù hợp, đảm bảo vận hành hiệu quả việc khám, chữa bệnh lao.
Cùng chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng đội ngũ bác sĩ về lao trong bệnh viện, Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Lương Hồng Quí – Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang cho biết, công tác tuyển dụng bác sĩ thăm khám về lao thường ưu tiên người tốt nghiệp y khoa. "Nếu sinh viên tốt nghiệp có chuyên môn về lao, hay bác sĩ có kinh nghiệm khám, chữa bệnh lao muốn về công tác tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang thì quả thực quá tốt" - bác sĩ Quí bày tỏ.
Ngoài làm công tác chuyên môn, bác sĩ Quí cũng tham gia hướng dẫn cho sinh viên thực tập tại bệnh viện. Trong đó, bác sĩ Quí đặc biệt nhấn mạnh tới sinh viên về việc chẩn đoán đúng bệnh.
“Tôi luôn nhắc nhở thực tập sinh rằng, với lao, khi thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh thì sẽ có hướng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ngược lại, nếu chẩn đoán sai sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân”, bác sĩ Quí chia sẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Quí hy vọng, các sinh viên y sau khi tốt nghiệp có định hướng học chuyên về lao, đi làm về lao sẽ đáp ứng được nguyện vọng của bệnh nhân – chẩn đoán đúng bệnh, đúng hướng điều trị, và đặc biệt là tham gia tích cực vào việc hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng lao.
Bác sĩ Quí cũng mong muốn sinh viên sẽ yêu nghề khám và điều trị lao; xã hội hiểu rõ và thay đổi nhận thức, hành động, có cái nhìn tích cực hơn, giảm bớt sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao, với các thầy thuốc khám và điều trị lao.
Bệnh lao phổi có số lượng người mắc tương đối nhiều, tỷ lệ lây lan cao và còn là gánh nặng cho xã hội. Do vậy, bác sĩ Quí mong người dân quan tâm và nâng cao ý thức phòng bệnh lao.
Cần có thêm đãi ngộ cho bác sĩ khám và chữa bệnh lao
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 1990 đến 2013, Khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Quận Hà Đông, Thành Phố Hà Nội) có tên là Khoa Lao với chức năng nhiệm vụ khám và điều trị các bệnh nhân mắc lao. Từ năm 2013, Khoa được đổi tên là Khoa Hô hấp và Bệnh phổi có chức năng nhiệm vụ khám và điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi, sàng lọc phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao ngoại trú.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Giang - Phó trưởng Khoa Hô hấp và Bệnh phổi đã có 15 năm gắn bó với việc khám, điều trị bệnh nhân lao.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Giang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông).
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm nghề, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Giang cho biết, sau khi anh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa (Trường Đại học Y Hà Nội) và đi làm tại Bệnh viện Phổi Trung ương, trong ca trực của anh cùng với một bác sĩ khác, có 1 trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì ho ra rất nhiều máu (chuyên ngành gọi là ho ra máu sét đánh) do lao phổi, có thể tử vong. Khi đó, anh cùng bác sĩ trong ca trực nhanh chóng tiến hành cấp cứu. Khi bác sĩ trực cùng anh đã tiến hành mở khí quản một thì (là một thủ thuật mở một đường thở qua khí quản, thay vì không khí từ ngoài phổi qua đường hô hấp trên vào phổi thì không khí vào phổi qua lỗ mở khí quản) để cấp cứu bệnh nhân, các tia máu bắn ra khiến anh Giang thật sự “sốc”. Bằng sự nỗ lực, nhanh nhẹn của bác sĩ, bệnh nhân này ngay sau đó đã được cứu sống.
“Sau ca cấp cứu cho bệnh nhân trong buổi trực hôm đó, tôi càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của một bác sĩ điều trị lao. Thời gian điều trị dứt điểm bệnh lao đối với người lớn là 6 tháng - thời gian khá dài. Do vậy, tôi luôn dành lời khuyên cho bệnh nhân mắc lao là phải thật sự quyết tâm, kiên trì chữa bệnh, bởi nếu không cố gắng tuân thủ, không kiên trì điều trị thì người bệnh coi như đã thua, không còn cơ hội cứu chữa và chiến thắng.
Mỗi công việc đều mang lại niềm vui. Đối với các bác sĩ, niềm vui lớn nhất là cứu được bệnh nhân. Có những bệnh nhân lao khi khỏi bệnh đều nhớ và gửi những món quà quê (như trứng, chuối, mít,...) cho các bác sĩ. Những món quà tuy giản dị nhưng là sự động viên tinh thần rất lớn để các bác sĩ thêm yêu nghề hơn”, bác sĩ Giang chia sẻ.
Theo Phó trưởng Khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, các bác sĩ khi làm công việc liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc lao phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân lao đều có nguy cơ phơi nhiễm (có nhiễm vi khuẩn lao - tức lao tiềm ẩn trong cơ thể và có thể chuyển thành bệnh lao). Đây cũng là một trong những lý do khiến Khoa Hô hấp và Bệnh phổi gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, giữ chân bác sĩ khám, điều trị lao.
Hiện, Khoa thiếu nhân lực tương đối nhiều (tổng có 6 bác sĩ và 8 điều dưỡng). Để bổ sung vào đội ngũ, Khoa tiến hành mời các bác sĩ trẻ về làm việc nhưng khó thu hút được họ gắn bó lâu dài.
Tâm sự với phóng viên, bác sĩ Giảng nói, thực tế, nhà nước đã có chế độ ưu đãi nhất định đối với nhân viên y tế của Khoa, ví dụ như phụ cấp ưu đãi theo nghề mức 70%. Tuy nhiên, so với sức lực nhân viên y tế bỏ ra, phải đối diện nguy cơ phơi nhiễm, thì mức phụ cấp ưu đãi theo nghề chưa thật sự hấp dẫn. Chưa kể, bác sĩ, điều dưỡng chuyên về lao ít nhiều nhận về sự kỳ thị của một bộ phận xã hội; người thân của họ cũng không mấy tự hào về bác sĩ, điều dưỡng lao so với các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa khác (khoa nội tiết, tim mạch,...).
Bên cạnh thực hiện chức năng nhiệm vụ khám, điều trị bệnh nhân mắc bệnh về phổi, lao, bác sĩ Giang còn tham gia thỉnh giảng, chia sẻ chuyên môn cho sinh viên, học viên tại một số cơ sở giáo dục đào tạo (ví dụ như Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam,...). Bác sĩ Giang cho rằng, mặc dù nhu cầu tuyển dụng việc làm đối với bác sĩ, điều dưỡng lao luôn cần nhưng mức độ quan tâm đào tạo về lao ở một số cơ sở giáo dục chưa nhiều. Điều này thể hiện ở chương trình đào tạo của một số trường không có bộ môn Lao; sinh viên về Khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực tập không nhiều, không thường xuyên như về các khoa khác.
“Gần đây, có một số sinh viên thực tập tại Khoa. Tuy nhiên, kiến thức cơ bản về lao của sinh viên còn thiếu rất nhiều. Do đó, trong quá trình trao đổi, các bác sĩ đều phải lồng ghép việc thăm khám, chẩn đoán, điều trị lao, phổi để dạy, hướng dẫn cho sinh viên. Ví dụ, khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn sinh viên cách chẩn đoán đúng bệnh ra sao, phân biệt như thế nào là bệnh nhân mắc lao, hay mắc các bệnh khác về phổi.
Những ngày đầu đến thực tập tại Khoa, một số sinh viên còn mang tâm lý e dè, lo sợ bị nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân lao. Tuy nhiên, được sự động viên của các bác sĩ, sinh viên mạnh dạn hơn trong việc tham gia học, quan sát và thực hành theo sự hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Giang chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, theo bác sĩ Giang, cần sự chung tay của cả xã hội, trong đó có vai trò cung cấp nhân lực chuyên về lao từ các cơ sở giáo dục đào tạo. Nếu các trường đào tạo y khoa chưa có bộ môn Lao, thì có thể lồng ghép kiến thức liên quan đến lao vào trong bộ môn Nội, hoặc các bộ môn khác. Để sau khi tốt nghiệp, sinh viên hiểu biết về lao có thể tham gia làm các công việc như chẩn đoán, tư vấn, giáo dục cộng đồng về phòng, chống lao.
Thêm nữa, bác sĩ, điều dưỡng về lao là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao. Do đó, để thu hút và giữ chân được những bác sĩ giỏi cần có thêm những chính sách đãi ngộ cho họ.
Đồng tình với đề xuất của bác sĩ Giang, theo bác sĩ Trường, hiện nay, dù phải làm việc trong môi trường phơi nhiễm cao nhưng mức thu nhập của bác sĩ, điều dưỡng điều trị lao vẫn chưa tương xứng (hiện lương tính theo hệ số nhà nước quy định). Bác sĩ, điều dưỡng làm việc từ sáng đến chiều muộn và phải trực theo dõi bệnh nhân nên không có thời gian làm các công việc khác để tăng thu nhập. Do vậy, để động viên khích lệ đội ngũ y bác sĩ tham gia công tác phòng, chống lao, theo bác sĩ Trường, nhà nước cần có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ y bác sĩ trực tiếp thăm khám bệnh nhân lao (nâng từ 70% ưu đãi nghề nghiệp lên 80%).
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/ky-niem-ngay-the-gioi-phong-chong-lao-nam-2024-ung-viet-nam-co-the-cham-dut-benh-lao-