Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em cảnh báo nóng về giang mai
Từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ mắc giang mai có xu hướng tăng dần và tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển như Hoa Kỳ.
Theo bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, Phó Trưởng Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP HCM, giang mai hiện nay được cả thế giới xem là "căn bệnh cũ nhưng có xu hướng mới".
Trước khi có kháng sinh penicillin, giang mai là một căn bệnh rất phổ biến, nhưng từ khi penicillin xuất hiện từ năm 1943, tỷ lệ mắc bệnh giảm đi nhanh chóng. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ mắc giang mai có xu hướng tăng dần và tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển như Hoa Kỳ.
Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, số lượt khám bệnh giang mai có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2014 có 2.091 ca, tuy nhiên đến năm 2020 tăng lên 6.734 ca. Riêng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng số ca bị giang mai vẫn ở mức 5.883 ca. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 6.279 ca giang mai đến khám và điều trị, con số này vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo có thể vượt mức năm 2020.
Bác sĩ Lợi Em cho biết xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc giang mai gần đây có thể là do các hành vi quan hệ tình dục. Theo báo cáo của Việt Nam gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ nhiễm giang mai trên đối tượng MSM (là người có giới tính sinh học là nam giới nhưng có thể có bản dạng giới là nam hoặc là nữ) vào năm 2008 là 0,89%, nhưng vào năm 2018 là 6,7%.
Lý giải nguyên nhân trên, bác sĩ Lợi Em cho rằng do nhóm đối tượng MSM thường có tần suất quan hệ tình dục cao hơn, thường quan hệ với nhiều bạn tình "lạ" hơn so với các đối tượng khác. Ngoài ra, nhóm đối tượng này thường quan hệ qua đường miệng và hậu môn. Đây là những con đường rất khó và hiếm khi sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su. Thậm chí, một số đối tượng còn có quan niệm sai lầm khi cho rằng quan hệ qua đường miệng và hậu môn là hành vi tình dục khác với quan hệ tình dục thông thường nên sẽ ít nguy cơ bị lây nhiễm bệnh hơn.
Một nguyên nhân khác là phần lớn bệnh giang mai không có triệu chứng hoặc triệu chứng không quá rầm rộ nên người bệnh không nhận biết kịp thời để đi khám bệnh. Nhiều trường hợp, bệnh chỉ biểu hiện với một vết loét duy nhất. Bên cạnh đó, vết loét của giang mai có đặc điểm là thường không đau, không gây khó chịu nên vết loét nằm ở vị trí khó quan sát như vùng hậu môn thì sẽ thường bị bệnh nhân bỏ sót. Sau một thời gian, vết loét cũng sẽ tự lành mặc dù không điều trị.
Việc điều trị giang mai được thực hiện theo phác đồ khuyến cáo của WHO. Phác đồ điều trị này được đánh giá rất hiệu quả, ít biến chứng và rẻ tiền. Tuy nhiên, với trường hợp điều trị muộn tức là mắc bệnh hơn 1 năm, cần phải điều trị 3 đợt tiêm thuốc trong 3 tuần liên tiếp và các đợt tiêm không được cách nhau quá 9 ngày.
Điều này gây khó khăn cho những bệnh nhân ở xa hoặc có việc đột xuất không thể quay lại điều trị đúng hẹn, dẫn đến bác sĩ buộc phải chỉ định điều trị tiêm lại từ đầu. Do các mũi tiêm thường khá đau, nên một số bệnh nhân cảm thấy ám ảnh và sợ hãi với việc phải tiêm lại từ đầu, dẫn đến bỏ điều trị.
Ngoài ra, nguyên tắc điều trị bệnh giang mai là phải điều trị đồng thời cho tất cả bạn tình của bệnh nhân. "Nhưng vẫn có một số bệnh nhân vì một số lí do không kêu gọi bạn tình đi khám, và sau khi được điều trị vẫn tiếp tục quan hệ với bạn tình cũ, dẫn đến bị tái nhiễm. Hoặc những người bạn tình này không biết bản thân đã bị nhiễm bệnh, nên vẫn tiếp tục quan hệ với những người khác và làm lây lan bệnh trong cộng đồng" - bác sĩ Lợi Em nói.