Bác sĩ giải thích nguyên nhân rắn và người 'quấn nhau' vào bệnh viện
Theo BS CK1 Nguyễn Ngọc Sang - khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết, người đàn ông bị rắn hổ chúa cắn sau đó mang cả 'thủ phạm' còn sống đang quấn chặt cánh tay vào bệnh viện là trường hợp rất hy hữu.
Ngày 20/8, BS Nguyễn Ngọc Sang đã chia sẻ với báo Tiền Phong về ca bị rắn hổ chúa cắn "có một không hai" mà bệnh viện đang tiếp nhận điều trị.
Theo BS Sang, đây là trường hợp rất hy hữu vì bệnh nhân bị rắn cắn nhập cấp cứu trong tình trạng nắm chặt rắn rất to, còn sống và quấn vào người.
Sau rắn cắn, người đàn ông tóm luôn con rắn hổ chúa đến bệnh viện
"Đa số những trường hợp bị rắn độc cắn xảy ra 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, khi rắn cắn xong bỏ chạy; trường hợp thứ 2, bệnh nhân bị rắn cắn xong, bệnh nhân hoảng quá nên bỏ chạy. Còn đối với trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn xong mang hẳn con rắn đến bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đó là chuyện hy hữu" - BS Sang nói.
Theo bác sĩ, có thể bệnh nhân này bị rắn cắn xong thì chụp đầu con rắn giữ chặt. Khi giữ chặt như vậy phản ứng tự nhiên của con rắn cuốn chặt vào tay của bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ giữ chặt đầu con rắn trong thời gian rất ngắn khi đến BV Đa khoa Tây Ninh thì nọc độc bắt đầu phát tán, bệnh nhân bắt đầu bị yếu cơ tứ chi, yếu cơ, hô hấp yếu thì tự động con rắn bung ra. Lúc này người ta mới tách con rắn ra được.
Sau đó, bệnh viện đã đặt nội khí quản cho bệnh nhân chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng liệt hoàn toàn các cơ chân, cơ tay nên không thể cầm nắm được nữa.
Con rắn dài 2,5 mét, nặng gần 5kg được bác sĩ lấy ra khỏi tay bệnh nhân (ảnh:BSCC)
Tại BV Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế nên có những lớp về hồi sức chống độc, hướng dẫn và điều trị các loại rắn độc cắn thì khuyến cáo với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trước, nếu bệnh nhân bị rắn độc cắn mà có thể mang con rắn chuyển lên tuyến trên cùng với bệnh nhân để các bác sĩ tuyến trên có thể xác định định danh chính xác loại rắn cắn.
Ngoài thấy được hình dạng con rắn, bác sĩ có thể tổng hợp yếu tố về dịch tể như những vùng nào thì có các loài rắn độc nào, hoàn cảnh bị cắn, diễn tiến về các dấu hiệu tại chỗ, dấu hiệu toàn thân, dấu răng ở trên vết thương cũng như các đặc tính khác của con rắn... Từ những yếu tố đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác hơn dòng rắn cắn bệnh nhân là dòng rắn nào.
Ngoài biểu hiện toàn thân nọc độc rắn còn có tác dụng tại chỗ gây viêm mô tế bào, sưng nề lan rộng xung quanh, là điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng tại nơi vết cắn là những biến chứng cần được theo dõi sát.
Đây là yếu tố rất quan trọng phục vụ cho việc đưa ra loại huyết thanh kháng độc trúng đích, biết được diễn tiến điều trị cũng như các biến chứng có thể có để mình theo dõi và phòng ngừa những biến chứng một cách hiệu quả hơn.
Thông tin về tình hình bệnh nhân, BS Nguyễn Ngọc Sang cho biết, trong ngày 20/8, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, sức cơ của chân, tay đã hồi phục tốt, tạm thời ngưng thở máy để theo dõi.
"Tuy nhiên, trong 24-48 tiếng tiếp theo cần phải theo dõi những biến chứng về tim mạch, bởi vì nọc độc của rắn có thể tấn công lên cơ tim làm tổn thương cơ tim, suy tim cấp và bệnh nhân có thể tử vong.
Đối với những dòng rắn lớn khi cắn sẽ tiêm một nọc độc rất nhiều, nọc độc này làm phản ứng vi mô tế bào xung quanh và làm hoại tử và có thể làm bệnh nhân bị nhiễm trùng vết cắn, lượng cơ bị hủy nhiều có thể gây tắc ống thận và suy thận cấp đó là những biến chứng cần phải theo dõi sát" - BS Sang chia sẻ.
Như tin Tiền Phong đã đưa, ngày 19/8, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ở Tây Ninh dùng tay không bắt rắn hổ chúa dài 2,5 mét, nặng gần 5kg do BV Đa khoa Tây Ninh chuyển lên.
Chẳng may con rắn hổ chúa quay lại cắn trúng đùi người đàn ông gây liệt hoàn toàn tứ chi, đồng tử giãn to, mất phản xạ ánh sáng.
Các bác sĩ BV Chợ Rẫy khẩn trương cứu chữa bệnh nhân, cho thở máy, dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.
Sau khi dùng 10 lọ huyết thanh, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy.