Bác sĩ… giấy
Xót xa khi chứng kiến những quyển sách, tư liệu quý trên chất liệu giấy có tuổi đời hàng trăm năm hư hỏng theo thời gian, chàng trai Bùi Tiến Phúc (31 tuổi, quê Bình Thuận) lên đường ra nước ngoài tìm 'bí kíp' hồi sinh, kéo dài tuổi thọ cho chúng. Trở về quê hương, đồng hành với anh là cô vợ có chung niềm đam mê, hoài bão. Mỗi ngày họ thầm lặng viết tiếp cuộc đời cho những trang sách...
Tầm sư học đạo
Tôi không biết phải gọi vợ chồng anh là nhà tu bổ hiện vật giấy, chuyên gia phục chế hay thợ giấy…khi nghe qua công việc hai người đang làm. Đến khi gặp vợ chồng anh Bùi Tiến Phúc (31 tuổi, quê Bình Thuận) và chị Trần Bội Tuyền (29 tuổi, người Đài Loan) tại Hán Nôm Đường (quận Tân Phú, TPHCM) phần nào giúp tôi hiểu rõ hơn về công việc hai người. Tôi gọi họ là “bác sĩ giấy”.
Nghe vậy vợ chồng anh gãi đầu, bảo gọi vậy có hơi quá không. Người ta chỉ quen gọi bác sĩ chữa bệnh cho người chứ ai lại gọi bác sĩ cho những người làm công việc như mình bao giờ đâu. Rồi anh Phúc kể, công việc này ở Đài Loan khá phổ biến, người ta có cả bệnh viện sách, trong đó có những người làm công việc tu bổ, phục chế được gọi là bác sĩ sách, bác sĩ giấy hẳn hoi. Nghe đến đây tôi khẳng định gọi anh là bác sĩ giấy đâu sai. Phúc cười gật đầu đồng ý.
Phúc tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm trường ĐH KHXH&NV TPHCM xong, năm 2014, anh vác ba lô lên vai sang Đài Loan (nơi ngành bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là sách cổ phát triển bậc nhất) “tầm sư học đạo” về chuyên ngành tu bổ, bảo tồn di sản văn hóa. Tại đây, anh vừa học lên thạc sỹ, vừa xin thực tập trong bệnh viện sách.
Vừa học anh vừa thực hành được những kiến thức khác nhau trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy ở rất nhiều người thầy. Trong số này có giáo sư Ngô Triết Duệ, cố vấn Hội Văn hiến TP Đài Bắc, một trong những chuyên gia, nhà phục chế hiện vật giấy hàng đầu tại Đài Loan.
“May mắn đối với tôi là được làm việc với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực phục chế hiện vật giấy hàng đầu tại đây”, Phúc nói và cho biết thêm, khoảng thời gian 2 năm (2016-2019) anh đã học được rất nhiều “bí kíp”, một hành trang vô cùng quý báu để anh quyết định trở về quê hương vào cuối năm 2019.
“Bệnh nhân” đặc biệt
Anh cười mỉm giải thích công việc hàng ngày của hai vợ chồng là tu bổ, phục chế các tài liệu giấy như sách, văn tự Hán Nôm, thư pháp, tranh cổ…Để làm được công việc này, phải chẩn đoán được bệnh, tiến hành “phẫu thuật” (làm sạch, bóc tách), tu sửa, tút lại giúp chúng kéo dài tuổi đời. Theo anh, bệnh nhân của bác sĩ là người bệnh, còn bệnh nhân của vợ chồng anh là những quyển sách, trang giấy…cổ xưa.
Dù bệnh nhân là ai, người làm phải có cái tâm, tỉ mỉ cẩn thận từng li từng chút, đặc biệt là công đoạn “giải phẫu”. Đồ nghề của vợ chồng khá đa dạng từ dao kéo, “thuốc men”...Tất cả được nhập từ nước ngoài về do lĩnh vực này còn khá mới mẻ ở trong nước. Chưa hết, hồ sơ bệnh án, thông tin cá nhân “bệnh nhân” của vợ chồng anh phải được giữ kín, không làm lộ theo yêu cầu của khách hàng.
“Giải phẫu” cuốn sách có tuổi đời hơn 100 năm, bị hư hỏng khá nặng mà khách mang đến, vợ chồng anh tập trung cao độ cả trí lực, lẫn tâm lực. Cả hai tỉ mỉ tách rời từng trang giấy cho quyển sách dày cả trăm trang.
“Chưa hết đâu, ca khó chỉ mới bắt đầu thôi” - Phúc nói nhưng đôi mắt chú ý vào từng trang sách. Theo anh, công đoạn khó khăn nhất là quá trình tu bổ từng trang sách này. Đó là đánh giá, phân loại mức độ hư hỏng của từng trang để có cách chữa trị phù hợp.
“Đối với các trang sách bị thủng bởi mối mọt, mình dùng giấy dó được nhuộm màu gần giống màu bản gốc để bồi lên. Với các trang bị ố màu, phải cho chúng “uống thuốc” mới khỏi bệnh”, Phúc ví von rồi giải thích thêm, các loại thuốc điều trị được nhập từ nước ngoài, gồm nhiều loại hóa chất, thuốc hóa học đặc trị trên giấy, ở Việt Nam tìm không có. Để hồi sinh quyển sách, trung bình anh phải mất hàng tuần mới xong, trải qua 19 bước mà anh đúc kết được.
Nói thì đơn giản vậy, theo vợ chồng anh, để có thể bắt bệnh và chữa trị cho chúng, bản thân người “bác sĩ” phải được học và có kiến thức về các loại giấy, nguyên liệu tạo ra giấy, cấu tạo cho đến kỹ thuật in của từng thời kì lịch sử, thậm chí cả cách đống sách, kiến thức về hội họa và cả kiến thức về hóa học…
“Để trở thành một bác sĩ giỏi bạn cần phải trải qua một quá trình hành nghề thực tế khá lâu, mất vài năm là ít”, Phúc chia sẻ, do đó vợ chồng anh vừa làm vừa dạy, chỉ nghề cho nhiều bạn trẻ đam mê đến Hán Nôm Đường học việc. Mong ước không chỉ là nơi chữa bệnh cho sách, tư liệu trên giấy mà còn là nơi chia sẻ, truyền nghề cho người trẻ để tiếp tục công việc viết tiếp cuộc đời cho những trang sách, tư liệu cổ trên giấy.
Ðồng hành với Bùi Tiến Phúc trở về quê hương thực hiện hoài bão phục chế sách cổ, tư liệu quý trên giấy còn có người bạn đời Trần Bội Tuyền (29 tuổi). Một cô gái người Ðài Loan từng du học ở Mỹ, có chung niềm đam mê cùng chồng xây dựng Hán Nôm Ðường, một “bệnh viện sách” tư nhân tại TPHCM.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/bac-si-giay-1792563.tpo